
Tự học nói tiếng anh như thế nào?
Mình từng được nghe nhiều người chia sẻ cùng một thực trạng thế này:
Bạn cảm thấy mình không nói được tiếng anh, giao tiếp tiếng anh không tốt hoặc rất ngại khi phải nói tiếng anh. Bạn thấy quảng cáo của trung tâm A cam kết đầu ra, đảm bảo sau khi học sẽ nói tiếng anh thành thạo, tự tin khi giao tiếp tiếng anh,… Bạn quyết định đăng ký học một khóa học tiếng anh giao tiếp ở trung tâm A với mơ ước sau khi học xong sẽ không còn tự ti khi nói tiếng anh nữa.
Một vài buổi đầu, bạn đi học rất chăm chỉ. Nhưng rồi một ngày công việc quá bận, hoặc lịch thi cận kề, khiến bạn đấu tranh tâm lý, rồi quyết định nghỉ một buổi, chỉ một buổi thôi. Rồi dần dà bạn đi học bữa được bữa mất.
Sau khi kết thúc khóa học, không có môi trường tiếp xúc tiếng anh hằng ngày, cũng không mặn mà chuyện luyện tập, dần dần, sau vài tháng, những điều bạn học được nhanh chóng qua đi như gió, bạn quay trở về với vạch xuất phát.
Một thời gian sau, xảy ra một vài sự kiện nào đó khiến bạn cảm thấy tiếng anh thực ra rất quan trọng, mình cần phải giỏi tiếng anh, bạn lại tìm hiểu một số trung tâm học tiếng anh. Rồi mọi thứ lặp lại vòng quay cũ. Kết quả, bạn tốn nhiều tiền mà vẫn không khá lên được…
Mình không biết bạn là sinh viên hay nhân viên văn phòng, bạn đang đi làm ở công ty luật hay doanh nghiệp khác, hay bạn không phải dân luật nhưng vô tình lang thang vào blog của mình…
Nhưng dù bạn là ai, nếu bạn đang gặp vấn đề với việc (học) nói tiếng anh, mong bạn hãy kiên nhẫn đọc hết bài viết này.
Biết đâu, bạn sẽ tìm được giải pháp hữu ích cho vấn đề của bạn, mà không cần tốn một đồng nào cho các trung tâm tiếng anh như bạn đã từng.
Nguyên nhân khiến bạn không nói được tiếng anh
Hãy bắt đầu với nguyên nhân trước. Mình sẽ điểm qua một vài nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn không nói được hoặc không dám nói hoặc không thể nói tốt tiếng anh như sau:
Nỗi sợ và sự tự ti
Đó là thứ ảnh hưởng nhiều nhất đến khả năng nói tiếng anh, mình cho là vậy.
Rất nhiều nỗi sợ đã ám ảnh các bạn ngay từ trước khi bạn bắt đầu. Sợ mình nói không tốt. Sợ mình phát âm sai. Sợ mình nói không hay. Sợ bị chê, bị cười. Sợ mình nói người ta nghe không hiểu.
Những nỗi sợ đó khiến bạn vô cùng tự ti, không dám mở miệng nói tiếng anh, mang theo mặc cảm rằng mình không nói được tiếng anh và bạn bỏ cuộc hoàn toàn.
Thiếu từ vựng và không biết cách diễn đạt linh hoạt
Bạn đã cố gắng bắt đầu, nhưng thường khi nói đến đâu bạn thấy vướng đến đó. Bạn không nghĩ ra từ để diễn đạt nội dung mình muốn nói, và luống cuống, ngại ngùng, không biết tiếp tục ra sao.
Có phải bạn cũng từng như vậy? Nhiều lần như vậy khiến bạn cảm thấy việc nói tiếng anh thật khó khăn, và không muốn tiếp tục nữa.
Nhưng bạn đừng lo, ở phần sau, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Thiếu sự luyện tập
Bạn đã cố gắng học phát âm, trọng âm, từ vựng,… nhưng bạn cảm thấy mình nói không trôi chảy, không hay hoặc đơn giản là không tự nhiên.
Đừng lo. Đó là thực trạng rất bình thường của tất cả những người mới bắt đầu.
Dù bạn làm bất cứ việc gì, cũng hãy nhớ rằng, tích lũy đủ về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất.
Hãy kiên trì luyện tập (một cách có định hướng) cho đến khi bạn tích lũy đủ lượng nhé! Practice makes perfect.
Có cần thiết phải đến trung tâm để học nói tiếng anh?
Câu trả lời của mình là không cần thiết.
Và ở đây, mình cũng đưa ra những phương pháp để bạn không cần làm điều đó, mà vẫn đạt được mục đích – giao tiếp được bằng tiếng anh.
Tuy nhiên, nếu bạn thực sự có một kế hoạch học tiếng anh mà trong đó, một trung tâm nào đó bạn tin tưởng là một phần của kế hoạch, hoặc nếu bạn tự cảm thấy mình không có đủ động lực và sự kỉ luật để bắt đầu và bạn muốn lựa chọn phương án trung tâm tiếng anh để xây dựng điều đó, thì đừng ngần ngại với lựa chọn của bạn.
Hãy nhớ rằng, trung tâm tiếng anh chỉ như một phương tiện giúp bạn đạt được mục đích của mình, không phải là tất cả. Tức là, không phải cứ đến trung tâm bạn mới nói được tiếng anh. Giống như việc, không đi bằng xe máy bạn có thể đi bằng xe đạp, xe bus. Bạn hoàn toàn có thể hành động hướng đến mục tiêu của mình theo những cách khác.
Mình không anti các trung tâm, nhưng mình không muốn các bạn sử dụng phương tiện đó không đúng cách, hoặc lệ thuộc hay tốn tiều một cách vô ích cho các trung tâm.
Hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có thể tự học.
Làm thế nào để tự học nói tiếng anh?
Trước khi đi vào các phương pháp cụ thể, hãy cùng mình điểm qua một vài đặc điểm biểu hiện của việc nói tiếng anh tốt. Tất nhiên các đặc điểm mà mình nói đến ở đây là để hướng đến việc giao tiếp tốt tiếng anh trong cuộc sống, công việc, còn nếu bạn cần luyện speaking cho một kỳ thi cụ thể (như IELTS, TOEFL…), hãy tham khảo các tiêu chí của kỳ thi đó nhé.
- Phát âm đúng (Pronunciation)
- Trọng âm đúng (Stress)
- Trôi chảy (Fluency)
- Khả năng sử dụng vốn từ hoặc linh hoạt diễn đạt (Vocabulary & Flexibility)
Thống nhất với nhau những tiêu chí như vậy, sau đây chúng ta sẽ cùng xem cách để học nói và cải thiện kỹ năng nói của mình.
Luyện IPA hằng ngày
IPA là viết tắt của International Phonetic Alphabet – Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế, còn hay gọi là Bảng phiên âm tiếng anh.
Mình từng học IPA qua hai kênh: BBC Learning English và Sozo-X. BBC Learning English là âm Anh-Anh, Sozo-X là âm Anh-Mỹ. Cả hai kênh đều minh họa cụ thể cách phát âm (di chuyển môi, đặt lưỡi,….) nên rất dễ bắt chước. Mình thích Sozo-X hơn chút xíu, vì dễ tập theo hơn ^^
Việc luyện tập bảng IPA phải được tiến hành đều đặn hằng ngày, dù là khi bạn bắt đầu học nói tiếng anh hay khi bạn đã giao tiếp được bằng tiếng anh. Giống như ca sĩ luyện thanh vậy đó.
Làm theo cách này, phát âm của bạn sẽ được cải thiện mỗi ngày, tăng độ chuẩn xác và bạn không thể tin được đâu, sau 6 tháng – 1 năm nhìn lại, nhất định bạn sẽ thấy cách phát âm của mình khác một trời một vực so với ngày đầu.
Hãy nhớ nhé, việc luyện IPA phải được tiến hành hằng ngày, đều đặn và kiên trì, dù đó là ngày đầu tiên, ngày thứ 10, ngày thứ 30 hay mấy tháng sau khi bạn bắt đầu.
Link học IPA của BBC Learning English: https://www.youtube.com/playlist?list=PLD6B222E02447DC07
Link học IPA của Sozo X: https://www.youtube.com/watch?v=Cn620oNdjJc&list=PLXtjywQTIROxA2Ekj6aeZxwBGK-OE8Czd (hình như kênh này bị sao đó mình ko tìm được playlist đầy đủ nữa 😐 bạn có thể tìm thêm ở đây: http://sozoexchange.com/dailypronunciations/ )
Ngoài ra, bạn cũng có thể luyện phát âm với ELSA (English Language Speech Assistant) – một app học phát âm nhận được khá nhiều đánh gía tích cực từ cộng đồng các bạn học tiếng anh.
Luyện nói theo MC của VOA
Đây là cách đã khiến cho việc nói tiếng anh của mình cực kỳ cực kỳ tiến bộ, và đến bây giờ mình vẫn tiếp tục luyện tập. Mình nhớ đã đọc ở đâu đó về việc nhại phim, rằng bạn hãy chọn 1 nhân vật trong đó và nhại lại các câu thoại của nhân vật đó trong suốt bộ phim.
Việc luyện tập theo cách này cũng vậy, VOA thì đã quá nổi tiếng trong giới học và tự học tiếng anh rồi nên mình sẽ không nói thêm. Phương pháp ở đây là chọn 1 MC mà bạn thích nhất của VOA và luyện tập theo MC đó. Hằng ngày, hằng tháng. Đều đặn, kiên trì.
Mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 30 phút luyện tập theo 1 video thôi, chắc chắn sau một thời gian, bạn sẽ thấy fluency của mình càng ngày càng tiến bộ. Thậm chí, nó tốt hơn bạn từng nghĩ rất nhiều.
Hồi trước mình luyện theo cô Alex Villarreal. Bạn search Voa News Alex Villarreal trên Youtube sẽ thấy ra rất nhiều video của MC này. Giọng nói rõ ràng, dễ nghe, phát âm chuẩn, nhấn âm chính xác, các video đều có phụ đề tiếng anh rất tiện cho việc bắt chước.
Mình đã nghe và luyện theo nhiều đến nỗi cứ mỗi lần nhắc đến VOA là trong đầu ngay tức khắc hiện ra đoạn “I am Alex Villarreal with the VOA Special English….”
Bên cạnh Fluency, việc luyện tập này cũng giúp bạn cải thiện phát âm (pronunciation) và trọng âm (stress). Các video của VOA Learning English đều có tốc độ chậm, nhấn nhá rõ ràng và bắt chược rất rất dễ.
Hãy thử phương pháp này nhé!
Học từ vựng – Research a word
Rõ ràng, việc học từ vựng là một trong những điều thiết yếu để bạn có thể diễn đạt được ý của mình dù bằng ngôn ngữ viết hay ngôn ngữ nói.
Nhưng đừng quá áp lực việc phải nhồi nhét, hay phải cố học cho được bao nhiêu từ trong một ngày/một tháng. Nếu bạn chỉ học mà không sử dụng, rồi bạn sẽ sớm quên, hoặc có nhớ cũng khó mà đạt được mục đích của ngôn ngữ – là giao tiếp.
Thay vì áp lực về số lượng, mỗi khi học một từ, hãy xem xét cẩn thận như cách bạn làm một bản research/thực hiện một nghiên cứu (research a word) – chỉ khác là phạm vi có thể sẽ nhỏ hơn, và vì nhỏ nên dễ khiến người ta chủ quan mà bỏ qua.
Khi tìm hiểu một từ mới, hãy cố gắng xem xét đầy đủ các khía cạnh sau:
- Nghĩa của từ: cái này rõ nhất và chắc không bị bỏ sót ^^
- Phát âm (bao gồm cả nhấn trọng âm) của từ đó: hãy xem cả phần phiên âm của từ, và nghe cả cách người ta đọc từ đó, rồi phát âm theo nhiều lần. Nếu mỗi âm bạn đều nghe kỹ, nghe nhiều lần & luyện phát âm theo nhiều lần, bạn chắc chắn có thể phát âm đúng, nhấn trọng âm đúng và chắc chắn sau này cả kỹ năng nói và nghe của bạn đều được cải thiện. Mình đảm bảo ^^
- Từ loại: từ đó là danh từ, tính từ, động từ hay là cả ba? Rất nhiều trường hợp, bạn biết từ đó là từ loại này nhưng lại không biết nó còn là từ loại khác, dẫn đến việc không hiểu đúng và đủ, rồi dẫn đến không sử dụng chính xác.
Ví dụ: bạn search từ “present”, sẽ thấy từ này vừa là tính từ, vừa là danh từ và cũng là động từ. Và khi là động từ, nó sẽ có cách đọc, vị trí trọng âm khác với khi là danh từ hay tính từ.
- Một số ví dụ về cách sử dụng từ đó: cái này dưới mỗi từ trong từ điển đều có, để bạn hiểu cách sử dụng nó như thế nào. Hoặc đơn giản hơn, bạn paste lên google, sẽ ra rất nhiều bài viết trong đó có chứa từ bạn cần, ở đó, bạn sẽ thấy được cách người ta dùng, diễn đạt với từ bạn đang tìm hiểu.
- Từ đồng nghĩa (gần nghĩa) và trái nghĩa (Synonyms and antonyms): Khi mới làm quen với việc “reseach a word”, để đỡ rối và cảm thấy mệt, bạn có thể tạm bỏ qua bước này. Sau khi đã quen với phương pháp, và tích lũy được một số từ, hãy làm điều này khi xem lại các từ đã học. Tra cứu synonyms & antonyms và ghi note lại bên cạnh từ đó với các ký hiệu dễ nhớ chẳng hạn.
Việc “research a word” có thể khiến bạn mất nhiều thời gian cho một từ, nhưng chắc chắc cũng sẽ khiến bạn nhớ lâu hơn, đồng thời cũng rất rất có lợi khi bạn học từ vựng tiếng anh pháp lý.
Thường khi tra từ, mình hay sử dụng từ điển Oxford hoặc Cambridge, và thường dùng bản online để tiện tra cứu + nghe phát âm. Mình cũng sử dụng cả từ điển giấy – quyển Oxford Advanced For Learners thần thoại – em nó đã gắn bó với mình rất nhiều năm qua và quyển Oxford Learner’s Pokcet Dictionary – nhỏ nhỏ xinh xinh và cực kỳ tiện khi mang đi đâu đó. Việc sử dụng từ điển giấy cũng rất thích, nhất là với quyển Oxfored Advanced For Learners mình mày mò được rất nhiều thứ, và rất tiện khi ở những nơi không có internet/không tiện sử dụng điện thoại.
Mình cũng cài bộ 3 từ điển Oxford (advanced, collocations và therasus) vào laptop nữa, cực kỳ tiện tra cứu khi writing. Tiếc là link mình dùng để cài bị die mất rồi. L
Về từ điển online, bạn có thể tìm hiểu tại:
https://dictionary.cambridge.org/ (Cambridge: có cả Dictionary, Translate, Grammar – còn Word List và các tính năng Plus thì mình không sử dụng ^^)
https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/ (Oxford)
Tận dụng và tạo ra những cơ hội giao tiếp tiếng anh
Việc tự luyện tập một mình, dù bạn rất nỗ lực và kiên trì, cũng sẽ có một lúc nào đó khiến bạn chán nản. Bởi vậy, có “partner”, hoặc có một môi trường để giao tiếp sẽ giúp ích rất nhiều.
Nếu công ty bạn có khách hàng nước ngoài, hãy xin làm công việc đón khách, bạn có thể tranh thủ luyện tập những câu giao tiếp cơ bản, xã giao và cũng quen dần với phong thái khi tiếp khách. Nếu có cơ hội, cũng đừng ngần ngại xin sếp bạn cho ngồi cùng khi anh/chị ấy gặp gỡ khách hàng. Không chỉ tiếng anh, mà bạn còn có cơ hội học hỏi thêm rất nhiều điều khác.
Nếu công ty bạn không có khách hàng nước ngoài để tiếp xúc thì cũng đừng lo lắng, bạn có thể luyện tập cùng đồng nghiệp, hoặc bạn bè của bạn – những người có cùng mục tiêu với bạn là giao tiếp tiếng anh tốt.
Một số người cho rằng người Việt luyện nói tiếng Anh với người Việt thì không có tác dụng gì cả. Nhưng mình không cho rằng điều đó là chính xác hoàn toàn. Chỉ riêng việc khiến bạn tự tin và tự nhiên hơn khi nói tiếng đã là tác dụng rất lớn mà việc luyện tập này mang lại rồi. Nếu bạn và “partner” có thể correct lỗi cho nhau, support nhau thì sự tiến bộ là điều không thể bàn cãi.
(Điều đáng bàn cãi chỉ là thời gian tiến bộ mà thôi. ^^)
Trên đây chỉ là một số phương pháp mình đã kiên trì áp dụng và đạt được những kết quả xứng đáng, mong là sẽ giúp ích cho bạn.
Và trong quá trình luyện nói tiếng anh, cũng đừng bỏ qua việc luyện nghe, hay việc đọc, viết tiếng anh. Bởi nghe, nói, đọc, viết là những kỹ năng bổ trợ cho nhau và giúp bạn khả năng sử dụng ngôn ngữ của bạn được hoàn thiện.
Nếu bạn từng luyện tập những phương pháp nào hay ho, hãy để lại bình luận ở đây cho mình và mọi người cùng biết nhé.
*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết.

