
Tiếng anh và đôi dòng tâm sự
Nên bắt đầu học tiếng anh như thế nào?
Nhiều bạn hỏi mình rằng nên bắt đầu học tiếng anh như thế nào và từ đâu, nhưng quả thực chẳng có một đáp số nào chung cho tất cả mọi người cả. Nếu bạn có tìm hiểu về cách học tiếng anh trên mạng, chắc hẳn cũng không ít lần bạn nghe thấy hay đọc được ở đâu đó rằng nên bắt đầu học nghe, nói trước, ngữ pháp và đọc viết sau; hoặc đại loại như khi còn nhỏ chúng ta học tiếng Việt cũng bắt đầu từ việc nghe, rồi nói, rồi mới học đọc, viết… Thế nhưng mình lại là đứa học từ ngữ pháp, đọc, viết trước – một đứa đúng cái tình trạng bình thường lỡ cỡ mà bao nhiêu bạn ở tỉnh lẻ thường rơi vào: khi còn học phổ thông được học cơ man nào là ngữ pháp và từ vựng, và khi ra đến đại học phũ phàng nhận ra rằng mình không nghe được, không nói được, không tự tin mở miệng ra nói câu tiếng anh nào cả, thậm chí phát âm cơ bản cũng sai bét nhè… Ấy vậy mà bây giờ mình vẫn sử dụng được tiếng anh cho công việc và cuộc sống, vẫn đọc hiểu các tài liệu academic, vẫn gặp gỡ các khách hàng nước ngoài, trao đổi emails, viết legal advice… và các hoạt động khác trong cuộc sống hằng ngày. Điều mình muốn nói chỉ là không có công thức nào chung cả, trước khi bắt đầu hãy tự xác định trình độ/mức độ/level hiện tại của mình, rồi thử phương pháp mà bạn cho là phù hợp. Quan trọng là khi đã theo cách thức nào, bạn cứ làm cho tới mức mà nó cần phải tới. Đừng chỉ học phát âm dăm ba buổi ở trung tâm rồi không động tới nữa, cũng đừng chăm chăm đọc và làm bài tập ngữ pháp rồi không ứng dụng nó. Nếu chỉ dừng lại ở việc học, mọi thứ vẫn nằm trên lý thuyết mà thôi. Học cho tới, và học đi kèm với sử dụng. Nếu không có môi trường thì tự tạo cho mình.
Một số bài viết về tiếng anh dành cho những người bình thường lỡ cỡ của blogger Chi Nguyễn (The Present Writer) mình nghĩ bạn có thể tham khảo thêm:
https://thepresentwriter.com/hoc-tieng-anh-cho-nguoi-lo-co-phan-2-viet-tieng-anh-nhu-nguoi-co-hoc/
https://thepresentwriter.com/hoc-tieng-anh-cho-nguoi-lo-co-phan-3-nhin-nhan-ve-tieng-anh/
Khi nào nên bắt đầu học tiếng anh?
Sẽ không có một thời điểm hoàn hảo nào để bắt đầu cả. Cũng sẽ khó có một khoảng thời gian nào đó mà bạn không cần làm gì cả để tập trung 100% vào việc học tiếng anh. Càng lớn ta càng đối diện với nhiều việc để làm, phải làm và cần làm nhằm phục vụ những nhu cầu khác nhau của cuộc sống. Bởi vậy, câu trả lời của mình là càng sớm càng tốt. Mình là một đứa từng chịu hậu quả cho việc không học tiếng anh từ sớm. Thời gian đầu học đại học, mình với cái suy nghĩ rất thiển cận rằng học tiếng anh là để thi IELTS, mà bằng IELTS thì chỉ có hiệu lực 2 năm nên để đến năm 3, năm 4 rồi hẵng học. Vậy là suốt thời gian 2 năm đầu mình chỉ ung dung không làm gì với tiếng anh của mình cả. Chỉ đến khi thực sự lên năm 3, năm 4 mình mới nhận ra rằng lúc đó mình có nhiều thứ để làm chứ không chỉ là việc học tiếng anh và thi IELTS. Đó là khoảng thời gian mà mọi người bắt đầu đi thực tập, bắt đầu apply các law firm, các học bổng, bắt đầu những dự định cho tương lai xa hơn… – những dự định mà tiếng anh sẽ là một phần thiết yếu hoặc một điểm cộng cực kỳ lớn. Lúc đó, và cả sau này càng đi làm nhiều mình càng thấm thía rằng, IELTS nói cho cùng cũng chỉ là một cái bằng/chứng chỉ tiếng anh thôi, nó có thể giúp bạn khi xin học bổng hoặc ứng tuyển một vị trí công việc nào đó, nhưng khả năng sử dụng tiếng anh thành thạo thì sẽ đi cùng bạn suốt con đường làm nghề và mang đến cho bạn nhiều cơ hội mới cùng với những lựa chọn tốt hơn trên con đường nghề nghiệp.
Một ví dụ khác là bạn mình, người mà dù trước đây mình nói nhiều lần về việc học tiếng anh nhưng chỉ dừng lại ở mức nghe rồi để đó. Sau này khi bạn chuyển công việc lần đầu tiên, mới bắt đầu nhận ra tiếng anh có vai trò như thế nào trong việc mở rộng cơ hội. Sau đó, bạn mình vẫn được nhận vào làm ở một law firm danh tiếng, nhưng quá trình cày cuốc lại tiếng anh trong khi vẫn phải đi làm hằng ngày và đi học luật sư vào cuối tuần thực sự khổ và khó hơn nhiều so với việc dành những thời gian dư dả lúc còn là sinh viên. May mắn là chúng mình đều còn trẻ, chưa có nhiều vướng bận và còn nhiều cơ hội để học hỏi.
Vậy nên bạn ạ, hãy học tiếng anh càng sớm càng tốt, để không lỡ mất nhiều cơ hội đẹp, hoặc ít nhất là cũng để bản thân có nhiều lựa chọn hơn khi bước ra cuộc đời. Và việc học tiếng anh không chỉ dừng lại ở một vài tháng, một vài năm hay giới hạn trong một tấm bằng nào đó, mà hãy học đến lúc mình đạt trình độ thượng thừa để tự tin sử dụng trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Dù tiếng anh chỉ là một thứ công cụ thôi, nhưng những lợi ích mà công cụ này đáng để chúng ta hi sinh thời gian, công sức mà giành lấy.
(Người viết bài này cũng đang cố gắng trau dồi speaking và legal writing hằng ngày bạn ạ 🙂 )
Khi nào thì nên học tiếng anh pháp lý
Theo ý kiến của mình, đó là khi bạn đã có nền tảng cho cả hai thứ: tiếng anh và pháp lý. Bởi tiếng anh pháp lý, hiểu đơn giản là diễn đạt pháp lý dưới ngôn ngữ tiếng anh.
Nếu như bạn chưa có nền tảng tiếng anh, sẽ khó khăn hơn khi bạn tiếp cận với các thuật ngữ mới và phức tạp – đặc thù của tiếng anh pháp lý, đặc biệt là tiếng anh pháp lý cổ. Nữa là tiếng anh pháp lý có một số cách sử dụng đặc thù và khác hơn so với tiếng anh thông thường, một số ngữ nghĩa mới cho các thuật ngữ bình thường bạn vẫn hay sử dụng, nên mình cho rằng nên nắm chắc tiếng anh cơ bản trước, để tránh lẫn lộn hai trường phái, ví dụ như bối cảnh bình thường nhưng bạn sử dụng văn phong formal và phức tạp của tiếng anh pháp lý, hoặc bối cảnh pháp lý nhưng bạn lại sử dụng văn phong informal.
Một điều nữa là bạn cần có nền tảng pháp lý trước, bởi bạn biết rồi đấy, có nhiều thuật ngữ chuyên môn trong ngành luật nghe rất khó hiểu, dù chỉ là tiếng Việt. Mà nếu nội dung đó bằng tiếng Việt bạn còn chưa hiểu được, thì việc bổ sung thêm tiếng Anh vào chỉ khiến vấn đề trở nên rối rắm hơn. Vậy thì tại sao ta không gỡ từng cái một. Nắm chắc phần tiếng Việt trước, rồi học thêm cách diễn đạt nội dung đó bằng tiếng anh (pháp lý).
Tất nhiên, có nền tảng pháp lý không có nghĩa là bạn phải học hết các môn của trường luật, mà thậm chí chờ đến khi đó thì có lẽ hơi muộn. Không nhất thiết phải học hết dân sự (civil law), hình sự (criminal law), doanh nghiệp (corporate law), thương mại (commercial law),… rồi bạn mới đi học phần tiếng anh pháp lý tương ứng với các môn đó. Thời điểm mà bạn đã hình thành tư duy pháp lý, nắm vững các môn chuyên ngành cơ bản, có khả năng tự đọc hiểu một số nội dung chuyên ngành, bạn đã có thể đi học tiếng anh pháp lý rồi. Đối với những môn chưa được học, hoặc có thể không có trong chương trình học, bạn dành thời gian nghiên cứu qua phần luật nội dung trước khi bài tiếng anh pháp lý tương ứng là ok.
Học tiếng anh đến bao giờ thì xong?
Nếu bạn học tiếng anh để thi hết học phần, thì đó là bạn qua môn.
Nếu bạn học tiếng anh để thi IELTS, thì đó là lúc có bằng IELTS.
Nếu bạn học tiếng anh để thi TOEIC, thì đó là lúc có bằng TOEIC.
Còn nếu học tiếng anh để sử dụng thì chẳng có một mốc thời gian nào cố định cả. Mình vẫn học tiếng anh hằng ngày, vì mình thấy tiếng anh của mình còn chưa tốt, còn có nhiều cái mình cần học thêm. Sếp mình, người đã hành nghề hơn 10 năm, những khi bị mất tập trung vẫn mang Blinkist ra nghe sách, luyện nghe tiếng Anh vừa tiếp thu nội dung sách.
Khi bạn đã qua bước xây dựng nền tảng ban đầu và định hình được cái mình muốn, những cái mình cần làm rồi, việc học tiếng anh trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Điều đó không có nghĩa là con đường này dễ đi hơn, nhưng bạn sẽ không còn cái tâm thế hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, bao giờ mình mới nói được, mới đạt được level này kia nữa,… Lúc này, bạn cũng sẽ dễ có “cảm tình” với tiếng anh hơn, khi mà bạn thấy mình dần dà có những thành tựu nho nhỏ, đọc hiểu được cái này cái kia, không còn ngại khi nói chuyện với người nước ngoài…
Một khía cạnh nào đó, mình thấy con đường theo nghề luật cũng giống như vậy. Thời gian đầu rất khó khăn khi bạn chưa có gì cả, động vào đâu cũng là mới, mọi thứ đều ở vạch xuất phát. Nhưng thời gian qua đi cùng với những nỗ lực và cố gắng, rồi bạn sẽ đạt được sự tự tin và thoải mái trong chính công việc mà nhiều người cho là đầy vất vả và áp lực này. (mà vất vả thiệt :-s) Cái mà mình và bạn cần đó là sự kiên trì một cách định hướng trong một khoảng thời gian đủ về lượng để dẫn đến sự thay đổi về chất.
Giỏi tiếng anh không phải là tất cả
Đây là tên cuốn sách của Dang HNN, một youtuber mà có thể bạn cũng biết. Mình không phải fans, cũng không hay xem video của anh này đâu, nhưng vô tình thấy link cuốn sách dưới một video mình xem gần đây, nên mình vào đọc thử.
Nội dung viết khá gần gũi với mình, vì xuất phát điểm của mình có phần giống anh này. Xuất thân từ tỉnh lẻ, gia đình không có điều kiện, sinh ra trong nghèo khó… nhưng đổi lại có đủ sự tôn trọng của gia đình để được tự do theo đuổi những điều mình muốn, theo cách mình muốn.
“Thực tế là bạn có giỏi tiếng Anh thế nào đi chăng nữa nhưng nếu không có tư duy trong việc học và làm thì cũng chưa nói lên điều gì cả”
Và cái mình muốn nói cũng là vậy, giỏi tiếng anh không phải là tất cả. Giỏi tiếng anh là một trong những yếu tố sẽ giúp mang đến cho bạn nhiều cơ hội mới, nhiều cánh cửa mới, nhiều lựa chọn mới và có thể là tốt hơn. Nhưng nó chỉ là một trong số các yếu tố, ít nhất là với nghề luật. Chuyên môn, tư duy, khả năng giải quyết các vấn đề, khả năng xây dựng các mối quan hệ,… cũng quan trọng và có vai trò không kém cạnh tiếng anh. Vả lại, cơ hội, lựa chọn đến là một phần, nhưng việc có nắm bắt và theo đuổi được nó hay không còn phụ thuộc vào bản thân bạn và đôi khi là những yếu tố khác tại thời điểm mà cơ hội đó đến.
Bởi vậy, hãy cứ học tiếng anh một cách kiên trì và có định hướng, nhưng đừng thần thánh hóa vai trò của nó như là điều gì đó số một hay đại loại như vậy, cũng đừng dùng nó để bao biện cho việc lơ là trau dồi các khía cạnh nghề nghiệp khác.
Cuối cùng, mong là bạn sẽ tranh thủ thời gian học tiếng anh càng sớm càng tốt, để đừng lỡ mất những cơ hội đẹp và đầy ước vọng như bầu trời xanh của thanh xuân 🙂
(và của những năm tháng chưa vào nghề :)) )


4 Comments
Trang
Bài viết như thể nhắc đến mình vậy, mình có hơi cùng cảnh ngộ về xuất phát điểm với tác giả nhưng mình lại không được chăm chỉ và học có kỷ luật như tác giả. Mình sẽ lấy đây làm động lực để nghiêm túc hơn. Cảm ơn bạn. 🙂
Tôi học nghề luật
Hihi ^^
Nhan Le
Cảm ơn em, bài viết thật tuyệt vời
Tôi học nghề luật
Cảm ơn chị <3