Suy nghĩ về cái tôi của nghề luật
Blog,  My Collection

Suy nghĩ về “cái tôi” của nghề luật

Nhà bác học Albert Einstein đã từng nhận xét về “Cái tôi” của con người dưới góc độ toán học rất thú vị:
“Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to” – “More the knowledge lesser the ego, lesser the knowledge more the ego”.
Có một thiền giả tự cảnh tỉnh cái tôi của mình rằng:
“Không, tôi là kẻ phàm phu
Cái tôi quá lớn làm ngu muội mình
Cho tôi xin lại cái nhìn
Để tôi thấy rõ bóng hình của tôi”.
Hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình người ta mới có thể là chính mình và sống thật với mình hơn, không bị môi trường xung quanh chi phối, không mặc cảm tự ti cũng như không dễ bị tổn thương hay chạm tự ái. Ngược lại, nếu không hiểu nó, cái “Tôi” quá lớn của bạn sẽ chuyển thành sự đố kỵ, và mỗi người sẽ chuốc đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
Nghề luật cũng vậy, để biết cái tôi của bạn như thế nào hãy tự đặt câu hỏi và trả lời 02 câu hỏi sau đây:
(1) Liệu mình có đang cảm thấy tài giỏi hơn người khác?.
(2) Liệu mình có đang cảm thấy thấp kém hơn người khác?.
Nếu câu trả lời của bạn là “có” cho một trong hai câu hỏi trên, cái tôi của bạn đang điều khiển bạn. Có lẽ bạn sẽ dễ dàng hiểu rằng cảm giác tài giỏi hơn người khác là dấu hiệu của cái tôi quá lớn. Tuy nhiên, cảm giác thấp kém hơn người khác cũng là vấn đề với cái tôi của bạn.
Cái tôi về thấp kém không chỉ khiến bạn bảo thủ khi tranh luận mà còn khiến bạn dễ nổi nóng, ghen tị hoặc buồn phiền trước thành công của người khác.
Mỗi người chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Đồng nghiệp gặt hái được thành công là nhờ nắm vững chuyên môn trong lĩnh vực hành nghề của họ, nhưng có thể vẫn không giỏi trong lĩnh vực thuộc sở trường của bạn. Và ngược lại, bạn có thể chưa có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực của họ. Hãy tự tạo cơ hội trao đổi, học hỏi cùng nhau khi bạn rũ bỏ được cái tôi của mình.
Tôi đã chứng kiến và biết nhiều luật sư hành nghề đã lâu hoặc chỉ mới bước vào nghề nhưng luôn xem mình là nhất, “cái rốn của vũ trụ” không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ vấn đề gì và tỏ thái độ xem thường những góp ý chân tình của người khác, không cần biết việc mình làm đúng hay sai, tự hào một cách thái quá về khả năng của mình ,… Chính cái tôi đó sẽ biến họ thành người không biết kính trên nhường dưới… Và có một điều rất quan trọng là khi chúng ta coi trọng giá trị bản thân mình hơn giá trị của người khác, vô hình chung đã đánh mất cơ hội học hỏi miễn phí những kinh nghiệm quý giá từ họ.
Bạn nghĩ rằng, khi bạn ăn mặc lịch sự bước vào nhà hàng sang trọng từ một chiếc xe đẹp, làm việc trong một công ty luật danh tiếng, chuyên nghiệp là bạn hơn một luật sư nào đó đang hành nghề trong một hãng luật nhỏ? Nếu có suy nghĩ vậy thì tất cả mọi thứ bạn đang có đều là vô giá trị. Bởi mỗi con người đều có một vị trí để hành nghề. Vị trí nào cũng cần thiết, quan trọng và có giá trị của riêng mình.
Khi cho phép công nhận khả năng của người khác, bạn dễ dàng xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp để học hỏi từ chính điểm mạnh của họ.
Hiểu được cái tôi giúp chúng ta biết được mình đang đứng ở đâu trong trong cộng đồng hành nghề luật, tránh huyễn hoặc về khả năng của mình.
Mỗi lần đi công tác ở nước ngoài, tôi đều dành thời gian để viếng thăm các luật sư đồng nghiệp, trao đổi kinh nghiệm hành nghề và cũng học được rất nhiều điều từ họ.
Một đồng nghiệp nước ngoài rất thân thiết đã nói với tôi đại ý: Tôi thấy nhiều luật sư Việt Nam ảo tưởng cái tôi về khả năng của mình quá lớn, nhưng thực tế là họ nói nhiều hơn làm, xử lý công việc chẳng hiệu quả gì cả!
Cuộc đời của mỗi người là hữu hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong thế giới này?
 
(Bài viết sưu tầm từ FB của LS. Lê Thành Kính)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *