5 điều sinh viên luật mới ra trường nên làm
Blog,  Dành cho dân luật,  Sinh viên luật

5 điều sinh viên luật mới ra trường nên làm

Thời điểm mới ra trường là thời điểm chuyển giao giữa việc học và việc đi làm, là thời điểm các bạn sinh viên dễ có nhiều bỡ ngỡ và băn khoăn đối với nghề luật nói riêng và công việc nói chung.

Dưới đây là 5 điều mà mình nghĩ rằng sinh viên luật mới ra trường nên làm để xây dựng những bước đi đầu tiên vững vàng hơn trong nghề.

Rèn luyện tư duy pháp lý

Rèn luyện tư duy pháp lý

Dù bạn hướng đến vị trí công việc nào thì tư duy pháp lý cũng là điều tối quan trọng khi hành nghề luật. Cách tư duy sẽ quyết định việc bạn nhìn nhận vấn đề, sự việc, sự vụ dưới góc độ nào. 

Rõ ràng, chúng ta không thể đem tư duy của người bình thường để minh định các vấn đề pháp lý trong một vụ việc. Nếu vẫn chưa rõ về tư duy pháp lý, bạn có thể tìm đọc thêm cuốn sách Tư duy pháp lý của luật sư của LS. Nguyễn Ngọc Bích.

Rèn luyện tư duy pháp lý có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ như:

  • Tập phân tích các tin tức, vụ việc mà bạn đọc được dưới góc độ pháp luật.
  • Đọc các bản án tại trang congbobanan.toaan.gov.vn và tra cứu các căn cứ pháp lý liên quan, tập đưa ra nhận định của bản thân ở các lập trường khác nhau: luật sư nguyên đơn, luật sư bị đơn, thẩm phán.
  • Đọc hợp đồng mẫu và đặt mình vào vị thế của một trong hai bên (bên bán/bên mua/bên thuê/bên cho thuê…) để phân tích tính pháp lý, yếu tố bất lợi, có lợi… của các điều khoản trong bản hợp đồng đó.

ĐỌC THÊM: Sinh viên luật mới ra trường nên làm gì?

Củng cố kiến thức chuyên môn

Củng cố kiến thức chuyên môn

Mặc dù 4 năm đại học đã được học kiến thức luật ở các lĩnh vực khác nhau, thế nhưng lúc đi làm, sự đan xen, kết nối và đòi hỏi huy động hiểu biết kết hợp từ nhiều luật cùng lúc hoàn toàn có thể làm khó bạn. 

Trong suốt quá trình làm nghề luật, việc không ngừng củng cố kiến thức chuyên môn cũng là cách để chúng ta tích lũy và nâng cao trình độ, đồng thời rèn luyện cho việc hành nghề “nhuần nhuyễn” hơn.

Ở cấp độ rất cơ bản, các bạn mới ra trường có thể bắt đầu củng cố chuyên môn bằng các cách như: hệ thống hóa các lĩnh vực pháp luật để có cái nhìn tổng quát, đọc các bản cập nhật pháp lý (legal updates/newsletters) để biết các thay đổi với các văn bản pháp lý hiện hành,…

Ở cấp độ cao hơn, trong quá trình làm việc bạn sẽ được tiếp xúc với các tư liệu, vụ việc chuyên môn và thực tế để hiểu hơn về việc áp dụng kiến thức chuyên môn như thế nào, từ đó nhìn lại những gì mình đã có hay đang thiếu để bổ sung thêm. Nhưng dù là ở thời điểm nào, ý thức về việc nâng cao chuyên môn luôn là điều cần thiết với người hành nghề luật

ĐỌC THÊM: Học luật ra làm gì? Học luật có dễ xin việc không? Lương ngành luật có cao không?

Học hỏi kinh nghiệm thực tiễn

Học hỏi kinh nghiệm thực tiễn

Để có kinh nghiệm thì cách tốt nhất chính là tự mình tiếp xúc với thực tiễn. Bạn có thể đi làm, đi thực tập để trực tiếp thực hành và tích lũy những kinh nghiệm, trải nghiệm riêng cho bản thân.

Trong trường hợp bạn chưa thể đi làm được, cũng có một vài cách khác để bạn có thể học hỏi các kinh nghiệm thực tế như: tham gia các hội thảo, các buổi đào tạo… trong đó có các luật sư chia sẻ kinh nghiệm về một hoặc một số lĩnh vực nhất định; tham gia các lớp học kỹ năng nghề luật (tùy từng lĩnh vực, người dạy có thể chia sẻ các vụ việc, trường hợp cụ thể với người học)…

Luyện tập kỹ năng viết và phân tích

Luyện tập kĩ năng viết và phân tích

Viết và phân tích là những kỹ năng cực kỳ, cực kỳ quan trọng với người làm nghề luật. Việc trau dồi hai kỹ năng này cũng được LS. Trương Nhật Quang nhấn mạnh trong cuốn Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn.

Đơn giản nhất, hãy bắt đầu bằng việc viết. Sau đó, bạn có thể tự nghiên cứu và viết về các vấn đề pháp lý mà bạn quan tâm. Hoặc cũng với cách đọc bản án và đưa ra nhận định ở mục Rèn luyện tư duy pháp lý nêu trên, bạn có thể viết lại và phân tích các nhận định của mình…

Nâng cao trình độ tiếng anh pháp lý

Nâng cao trình độ tiếng anh pháp lý

Hiểu và sử dụng thành thạo tiếng anh chuyên ngành là điều cần thiết đối với người hành nghề luật. Khi sử dụng được tiếng anh chuyên ngành, bạn sẽ có cơ hội mở mang kiến thức và kinh nghiệm của mình thông qua các tài liệu nước ngoài, các vụ việc quốc tế… từ đó có thể tiến xa hơn trên con đường làm nghề.

Học tiếng anh pháp lý cũng có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như tự đọc luật song ngữ, đọc hợp đồng song ngữ, tra cứu các thuật ngữ mình chưa biết một cách kỹ lưỡng và cẩn thận, hiểu bối cảnh sử dụng của các thuật ngữ pháp lý…

Trên đây là một vài chia sẻ của mình về đôi điều các bạn sinh viên luật mới ra trường nên làm. Còn bạn, bạn thấy sinh viên luật mới ra trường nên dành thời gian cho những việc gì? Hãy để lại comment và chia sẻ với mình nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *