Sài Gòn và những điều chưa nói
Blog,  Chuyện của mình,  Chuyện đi làm,  Dành cho dân luật

Sài Gòn và những điều chưa nói (phần 1)

[Nếu như ở bài “Vì sao mình chọn Sài Gòn để làm việc”, bạn đã đọc những trải nghiệm tích cực của mình về Sài Gòn, thì đây có thể là một bài ngược lại]

…..

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Chẳng hiểu sao mấy ngày nay, câu thơ này cứ quanh quẩn mãi trong đầu mình. Có thể là một trong những “hội chứng” khi dịch kéo dài và mình đã ở trong nhà gần ba tháng nay.

Mình sinh ra và lớn lên ở miền trung, cái mảnh đất mà thường được gắn với những từ: gió lào, cát trắng, khắc nghiệt, bão lũ,… Mình sống ở Hà Nội khoảng 5 năm, khoảng thời gian đủ dài để mình hiểu, yêu và nhớ Hà Nội rất nhiều. Mình cũng từng sống ở Sơn La một thời gian rất ngắn, nhưng thoải mái và vui vẻ bên những người thân của mình, bên cái khí trời thanh mát và hoa quả ngọt lành của núi rừng Tây Bắc. Còn bây giờ, mình đã ở Sài Gòn được hơn 2 năm, chính xác là 2 năm 5 tháng 15 ngày. Với rất nhiều người, ở cái độ tuổi như mình mà chưa yên bề gia thất lại còn bay nhảy lung tung thì thường gắn mác là “lông bông”. Nhưng với mình, mình trân quý tất cả những cái trải nghiệm “lông bông” ấy vì chúng làm nên mình bây giờ – một phiên bản đã tự bước qua sự nhút nhát, e dè và rất nhiều điểm yếu của bản thân để sinh sống, học tập và làm việc ở thành phố này.

Mình đến Sài Gòn vào đầu năm 2019, khi chẳng có gì trong tay ngoài một vài khoản nợ mình vay để di chuyển vào đây. Những trải nghiệm ban đầu thật chẳng dễ dàng gì, từ việc tìm nhà trọ đến chuyện ăn uống, và nhất là tài chính. Mình không thể ở xa công ty và mỗi ngày “vượt” mười mấy cây số để đi làm như các anh chị ở Thủ Đức, mình vô cùng cần một phòng trọ gần nơi làm việc. Mà giá cả ở Sài Gòn phân hóa theo khu vực, khu trung tâm thì đắt đỏ kinh khủng. Cái mức giá mà lúc đó mình có thể thuê một căn phòng tạm ổn để ở ở Hà Nội, thì ở Sài Gòn mình chỉ thuê được một phần ngăn ra của một phòng lớn trong một chung cư cũ. Và mình bắt đầu cuộc sống ở Sài Gòn như vậy đấy.

Ngày đầu tiên mở mắt ra, xung quanh đầy giọng nói miền nam lạ lẫm, thú thực mình đã thấy “xa lạ và sợ hãi”. Ko may mắn, nơi mình ở đầu tiên ấy mọi người sống kiểu hơi tập thể, thích tụ tập và ồn ào, trong khi mình lại là người thích sự riêng tư và cần ko gian yên tĩnh để nghiên cứu, làm việc. Rồi sau 2 tuần, mình có trải nghiệm tìm nhà đầu tiên ở Sài Gòn – rằng 10h tối vẫn cuốc bộ 2km về nhà sau khi 1 mình đi xem căn phòng ở ghép đầu tiên.

Rồi mình cũng tìm được “nhà”, với sự giúp đỡ của cô bé đồng nghiệp – cô bé Quảng Nam đã chở mình vòng khắp Quận 10, Quận 5 để xem phòng. (Cảm ơn em, và cảm ơn vì bây giờ chúng mình vẫn còn liên hệ với nhau <3 ). Lại nói về “nhà”, cái nơi mà mức ngân sách của mình có thể chấp nhận đc ấy, là một nơi mà tối tăm ngay từ cái lối vào nhà, tối tăm theo đúng nghĩa đen, chỉ lập lòe chút ánh sáng đo đỏ của đèn thờ thần tài ở lối vào và bậc cầu thang lên lầu 1. Căn phòng mà mình ở cũng ko phải một cái phòng hoàn chỉnh, vẫn là cái “phòng” đc ngăn ra bằng tấm thạch cao với phòng bên cạnh, để tách làm 2 cho thuê. Đó là một nơi ko nhìn thấy ánh sáng mặt trời – với kiểu xây của căn nhà đó là như vậy – trừ khi đi đến cuối hành lang để ra nơi phơi quần áo. Và với kiểu ngăn phòng như vậy, cơ bản bên này làm gì, bên kia cũng biết. Hàng xóm của mình là 1 gia đình có 3 người, trong đó người “tỉnh táo” duy nhất – cô đi làm thuê, ở nhà chủ, và ít khi về. Chú già rồi, thính giác kém và hầu như không biết gì cả. Còn thằng bé con của hai người bị bệnh down, gần như cũng không biết gì. Ừ thì mọi thứ nghe chẳng ổn tí nào cả, nhưng ít ra mình có không gian để làm việc được và nó không làm “đau” chiếc ví tiền ít ỏi của mình lúc đó. Có một lần mình phát hiện ổ khóa phòng mình bị cứa, mình thậm chí còn tự cảm thán: thằng trộm nào xui vậy, chọn đúng cái đứa không có nổi một thứ đồ vật nào giá trị trong phòng như mình. Cái căn phòng ấy, mình đã ở khoảng hơn 3 tháng, cho tới khi mình come back với Hà Nội. Cơ bản cuộc đời của mình giai đoạn đó tối tăm như cái phòng trọ mình ở vậy. Chuyên môn chưa vững, công việc ko ổn, vô cùng nghèo, và mình còn gặp vài rắc rối trong chuyện tình cảm mà mình ko muốn kể lại chút nào 🙂

Rồi bỏ lại tất cả, sau 4 tháng mình về lại Hà Nội. Chưa kịp trả xong khoản nợ cũ, mình lại có thêm nợ mới cho lần di chuyển và xáo trộn cuộc sống này. Nhưng trở về với Hà Nội, giống như mình vừa vượt qua một giai đoạn khó khăn và trở về với cuộc sống bình thường vậy, mọi thứ dễ dàng hơn với mình. Ở đây mình có nhiều bạn, ko quá khó khăn với chuyện tìm nhà trọ. Vừa vặn lúc bạn mình đang ở 1 mình, nên mình thuận tiện chuyển vào luôn, rồi sau đó chúng mình cùng nhau tìm một căn phòng to, đẹp hơn, đầy đủ tiện nghi, lại có ban công đẹp và thoáng mát. Trước khi về mình đã dự định apply công việc pháp chế với mức lương expect khoảng XX củ, để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và nộp học phí lớp luật sư. Mọi thứ đều diễn ra đúng như dự định, mình tìm đc công việc như mong muốn, hằng ngày có xe đưa đi đón về, cơm nước, đồng phục có người lo (công việc mà mình đã kể trong bài “Chuyện phỏng vấn của mình” ấy), mình thậm chí đã nộp hồ sơ lớp Luật sư CLC ở Hà Nội. Rồi như cái cơ duyên kéo mình lại với law firm, mình nghỉ pháp chế, rất nhanh, gọn, lẹ, nghỉ khi mình còn chưa tìm đc việc làm mới. Rồi mình tìm đc law firm mới, một firm khá nổi trong mảng thương mại quốc tế và đầu tư công (có thể bạn sẽ biết nếu ở Hà Nội và có quan tâm những lĩnh vực này, công ty cũng có chi nhánh ở Sài Gòn nhưng chi nhánh lúc đó chưa phát triển lắm). Rồi mình lại nghỉ, nhanh như lúc nghỉ bên pháp chế, một cách đầy cảm tính và liều lĩnh của tuổi trẻ, hoặc là đầy ngu ngốc của sự bồng bột, hiểu sao cũng được.

Mình vào lại Sài Gòn. Cho mình lý giải một cách “duy tâm siêu hình” là duyên của mình với Sài Gòn chưa dứt đi. Bởi nếu nói về lý do, mình ko biết nên viết như thế nào cho thỏa đáng. Khi người ta muốn thì người ta có lý do, thế thôi.

Lần này mình rút kinh nghiệm nhiều hơn từ lần trước, nên “chững chạc hơn” trong mấy chuyện như tìm chỗ ở, cũng “vững vàng hơn” phần nào và ko thấy xa lạ như khi lần đầu đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất nữa. Lúc này mình ở ghép với 2 bạn khác người miền Tây, sau đó mình cùng ra thuê phòng khác ở chung với một chị bạn cùng học và chơi từ lúc học HLU, bây giờ chị ấy về quê rồi, mình dọn sang nơi khác và tiếp tục hành trình một mình. Nhưng bằng cách nào đó, những căn phòng mà mình ở ở lần vào Sài Gòn này đều thật tốt, đủ để mang lại cho mình sự thoải mái và phần nào cảm giác an toàn. Có lẽ khi đã có “kinh nghiệm”, làm gì cũng sẽ ổn hơn?

Công việc ở lần trở lại này của mình cũng tốt hơn, dù nó vẫn mang cho mình nhiều khó khăn và “đau khổ” như bất cứ sự khởi đầu của một hành trình phát triển nào. Tin mình đi, “vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn ở bước khởi đầu là dấu hiệu tốt và sẽ mang lại cho bản thân bạn nhiều giá trị hơn ở những bước đi sau này. Nếu như bạn khởi đầu bằng phẳng quá, thì hoặc bạn ko phát triển, hoặc khó khăn đang đợi bạn phía sau đấy :))) Ở đây, sếp mình thực sự đã thay đổi rất nhiều về tư duy của mình. Cũng có thể do ở môi trường đầu tiên mình còn quá non nớt khi vừa bước chân ra đời, có thể do một số sự ko phù hợp nhất định, nên ở môi trường này, mọi thứ như là đúng thời điểm vậy. Ở đây, mình đã thay đổi tư duy về tư vấn pháp lý, về cách giải quyết vấn đề, mình ý thức nhiều hơn và rõ ràng hơn về việc phát triển chuyên môn, tiếng anh của mình qua gần 2 năm ở đây cũng đã tiến bộ rất nhiều (một phần “nhân sinh quan” cũng thay đổi khiến mình thêm phần tích cực hơn). Cảm ơn boss mình, thật nhiều <3

Cũng trong thời gian này, mình đi học Luật sư. Mình đăng ký học từ lúc vào lại Sài Gòn, sang năm 2020 mới được học, vẫn bằng khoản tiền chắt chiu từ “đồng lương công ty luật” chẳng nhiều nhặn gì cho cam, mình đóng học phí, và đi grab 15-16km đi học :))) Thời gian mới đi học luật sư với mình hơi cực, với quãng đường như vậy, những cơn mưa đến đúng giờ tan học hoặc đúng giờ đi học của mùa mưa Sài Gòn, cái môi trường hoàn toàn xa lạ và đặc biệt là sự-không-hứng-thú-với-những-nội-dung-trao-đổi-trên-lớp-học. Có lẽ mình sẽ dành một bài khác nói nhiều hơn về chuyện học Luật sư ở học viện tư pháp, nhưng một cách ngắn gọn, mình xin phép có một lời khuyên là các bạn nếu có tiếng anh tốt, và có định hướng theo đuổi con đường làm Luật sư tư vấn thương mại chuyên nghiệp, thì nên cân nhắc đăng ký khóa Luật sư Thương mại Quốc tế.

Còn với mình, bỏ qua những trải nghiệm ban đầu, ở đây mình được gặp nhiều bạn năng động và giỏi giang, cũng gặp nhiều bạn có thể “chưa thực sự giỏi giang” theo cách định nghĩa của mình, nhưng lại kiếm tiền rất đỉnh. Nói chung, mình cảm thấy học viện cho mình gặp nhiều kiểu người hơn và như gặp một cái Sài Gòn thu nhỏ vậy. Ở đây, mình cũng gặp một bạn mà rồi mình chơi rất thân – người bạn lớn hơn mình một thế hệ mà mình có nhắc đến trong bài “Dự án cá nhân của mình” – người mà đóng vai trò như một nhân tố tác động vào điểm “bước nhảy” của mình trong tư duy về “tiền” và “tài chính”. Bằng cách nào đó, từ khi mình gặp bạn này, và nhất là từ khi bước sang năm 2021, mình cảm thấy mình “có sức hấp dẫn hơn” đối với “tiền”.

Mình không phải dân làm ăn, kinh doanh, đầu tư gì cả (dù có bước đầu nghiên cứu về đầu tư), nên mình kiếm tiền bằng những cách rất bình thường thôi và con số thu được cũng ko nhiều. Nhưng nó giúp mình có cuộc sống ổn định hơn và bắt đầu có chút cảm giác làm chủ về kinh tế. Có thể với những bạn đã lớn lên trong hoàn cảnh đầy đủ về vật chất, bạn sẽ thấy những điều này chẳng là gì cả, bởi khi có đủ vật chất rồi con người ta sẽ mưu cầu và theo đuổi những giá trị khác. Nhưng với mình, hay với những bạn như mình, mình tin là khi làm chủ được “dòng tiền” và “tài chính” của bản thân, cảm giác sẽ rất khác, nó mang lại sự tự tin và nó cũng là biểu hiện cho phần nào sự nỗ lực và trưởng thành về khía cạnh tài chính. Thôi, dừng những câu chuyện về tiền ở đây vậy. Khi mình kiếm được nhiều tiền hơn, mình sẽ viết thêm :))

Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Cùng đón đọc phần 2 của bài này vào chủ nhật tới nhé 🙂

P/s: Hình ảnh đầu bài là một người bạn rất yêu Sài Gòn của mình chụp ở Sài Gòn.

*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết của Tôi học nghề luật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *