Review sách Practical Commercial Precedents (Vol. 3)
Blog,  Giới thiệu sách

Review Sách Practical Commercial Precedents (Vol. 3)

Như có nói ở bài Review sách Practical Commercial Precedents Vol. 2, những cuốn sách mà mình mượn được trong bộ này không được đầy đủ tất cả các phần, nên mình sẽ viết trên cơ sở những phần mình đọc được. 

Cuốn Practical Commercial Precedents Vol. 3 – bản  mà mình cầm trên tay – gồm có 3 phần: Entertainment (thực chất phần này của Vol. 2), Commercial Property Development và Agency and Distribution.

Phần thứ nhất, Entertainment là tập hợp các hợp đồng xoay quanh lĩnh vực phim ảnh, xuyên suốt quá trình từ lúc làm kịch bản –  chuyển thể từ tiểu thuyết/truyện.. có sẵn (Literary Property Option Agreement), hoặc sáng tác kịch bản mới (Screenwriting Agreement); thuê địa điểm làm phim (Location License Agreement); vấn đề tài chính cho phim (Production and Finance Agreement, Loan Agreement,…); đảm bảo việc hoàn thành phim (Film Completion Guarantee), các hợp đồng với người sản xuất, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ; cấp phép sử dụng nhạc và các đoạn video và hợp đồng phân phối.

Phần thứ hai, Commercial Property Development bao gồm một số bản điều khoản mẫu có thể đưa vào thành các Phụ lục kèm theo hợp đồng, và một số hợp đồng xoay quanh bất động sản. (Phát triển bất động sản trong phạm vi phần này mình hiểu là quản lý hết tất cả công việc xoay quanh việc thiết kế, thi công xây dựng, hoàn thành,.. bất động sản đó, rộng hơn có thể bao gồm cả việc tìm hiểu thị trường và lên kế hoạch kinh doanh (bán, cho thuê…) bất động sản đó). Các bản điều khoản mẫu xoay quanh việc phát triển bất động sản, gồm có: Điều kiện tiên quyết về xây dựng (Planning Condition Precedent) (để đảm bảo xin Giấy phép xây dựng); Nghĩa vụ phát triển tiêu chuẩn (Standard Development Obligations) bao gồm các điều khoản về nghĩa vụ của Developer; Chi phí phát triển dự án (Development Project Expenditure). Các hợp đồng mẫu có Hợp đồng quản lý phát triển dự án, Hợp đồng liên doanh (dạng quan hệ khác cho hai chủ thể như trong hợp đồng quản lý phát triển dự án) hai hợp đồng thuê, 1 hợp đồng thuê mua và 1 hợp đồng bán. Ở phần này mình được biết thêm 1 phương thức giải quyết tranh chấp là Expert Determination và phương thức này thường được sử dụng trong các hợp đồng phát triển bất động sản, na ná giống Mediation nhưng tồn tại song song với Mediation.

Phần thứ ba, Agency and Distribution, gồm có 1 Hợp đồng đại lý bán hàng, 1 Hợp đồng đại lý marketing, 1 Hợp đồng phân phối. Phần này gần gũi nhất nên mình đọc đầu tiên và kỹ nhất. Nhìn chung các điều khoản cơ bản của họ cũng giống các điều khoản thường làm khi thiết kế loại hợp đồng này, chỉ có họ tách tất cả vấn đề thanh toán, kế toán tài chính vào 1 điều khoản riêng, gọi là Financial Provision (điều khoản này quy định tất cả vấn đề về số tiền, hạn thanh toán, việc phát hành hóa đơn, lưu giữ sổ sách, cung cấp sổ sách,…)

Sau khi đọc thêm cuốn này, mình nhận thấy điểm chung của các Precedents được đưa vào trong bộ sách Practical Commercial Precedents là: Các điều khoản thương mại được cơ cấu kỹ lưỡng, ràng buộc và dự trù nhiều tình huống thực tế; Một số điều khoản pháp lý (Warranty, Termination) cũng được cơ cấu chặt chẽ với nhiều trường hợp. Tuy thời gian đọc ngắn, mình không thể lĩnh hội và nhớ được hết, nhưng ít nhất đạt được mức biết cái gì quy định ở đâu, về sau khi cần tham khảo, tham chiếu có thể biết để tìm kiếm đến. Ngoài ra mình thấy, nếu như chịu khó dành thời gian tìm hiểu, chỉ bằng đọc bộ này và nghiên cứu thêm, còn có thể nắm được cơ bản luật hợp đồng của UK. Nếu sau này có ngày làm đến vấn đề quốc tế, cũng đỡ phải hoang mang bắt đầu tìm từ đâu.

Cuốn này mình đọc theo Challenge của sếp mình (bây giờ là sếp cũ), có giới hạn thời gian đọc, và sau khi đọc cần trình bày về sách + những điều bản thân rút ra được trong quá trình đọc. Tiện thể, mình cũng post mấy điều này ở đây luôn, cho bạn nào có ý định cày bộ này thì tham khảo.

1/ Mình thấy mình đã quản lý thời gian tốt hơn & làm việc hiệu quả hơn: Do có áp lực & động lực về việc ngoài giờ làm việc phải dành thời gian đọc sách, nên mỗi ngày mình đều cố gắng hoàn thành các công việc sớm nhất có thể để buổi tối có thể đọc. Tuy ko phải ngày nào cũng làm được, cũng có những ngày bị cuốn theo công việc nhưng cơ bản đã hình thành được thói quen cố gắng cứ sau giờ làm thì đọc sách. Người ta nói cứ 21 ngày luyện tập thì hình thành nên 1 thói quen, nhưng mình nghĩ câu này nên là cứ luyện tập đến bao giờ mình ko biết đó là ngày tập luyện thứ bao nhiêu nữa thì thói quen mới thực sự được hình thành.

2/ So với cuốn Vol. 2, tốc độ đọc có nhanh hơn và mình cảm nhận việc đọc có phần dễ dàng hơn. Trừ phần về điện ảnh (phim), có một số thuật ngữ đặc thù, còn lại mình ko gặp nhiều từ mới ảnh hưởng đến việc đọc hiểu của mình lắm. Mình nghĩ rằng nếu chăm chỉ luyện đọc như vậy, lâu dần có thể lĩnh hội được khả năng đọc tiếng Anh như tiếng Việt.

3/ Mình mơ hồ thấy mình có vẻ tự tin hơn. Dù quả thực chỉ đọc 2 cuốn sách nó chưa mang lại cho mình thành quả gì định lượng được cả, nhưng mình có cảm giác như vậy, kết hợp với hiệu quả (1) về việc cảm thấy mình làm việc tốt hơn, nên mình thấy mình trải qua nhiều ngày chất lượng hơn trước.

Sơ bộ như vậy, do kiến thức của mình còn rất khiêm tốn, nhất là đối với những cuốn viết trên nền luật nước ngoài như này, nên mình rất vui và cũng rất mong nếu bạn nào từng đọc bộ này rồi có thể để lại comment/ý kiến thêm ở phần bình luận phía dưới.

Btw, mình nghĩ những cuốn sách như này rất phù hợp nếu bạn muốn nâng trình reading nói riêng và Legal English nói chung. Mỗi cuốn như vậy đều rất dài và rất dày, nên quả thực khi đọc xong sẽ mang lại cho bạn cảm giác rất khác về tiếng anh của bản thân :”>

Cuối cùng, chúc các bạn đọc sách vui vẻ.

Link sách cho bạn nào muốn tìm hiểu thêm: https://www.sweetandmaxwell.co.uk/Product/Commercial-Law/Practical-Commercial-Precedents/Looseleaf/30823232 

*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết của Tôi học nghề luật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *