
Review sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư
Giới thiệu
Luật sư Nguyễn Hữu Phước, hay Phước & Partners đã trở thành những cái tên vô cùng quen thuộc trong nghề luật nói chung và giới luật sư nói riêng. Có lẽ không cần phải nói nhiều khi nói về thương hiệu Phước & Partners, thương hiệu mà mang theo đó nhiều dấu ấn trong đó có cả sự học thuật, tính thương mại, màu sắc chuyên nghiệp và sự chỉn chu trong mỗi tác phẩm mà nó ghi dấu.
Bây giờ, khi Phước & Partners đã trở thành Phước & Associates và Global Vietnam Lawyers, mình vẫn còn nhớ những ngày kéo lên xuống trên fanpage Phước & Partners, tấm tắc đọc những bài viết có chiều sâu về nội dung mà không hề nhàm chán hay khô khan trong diễn đạt, những sản phẩm newsletters được đầu tư công phu và kỹ lưỡng, quy trình tuyển dụng mà ngay từ những khâu đầu tiên người ta đã nhìn thấy sự chuyên nghiệp….
Nhưng thôi, có lẽ đó là chuyện một thời nên gác lại, bởi câu chuyện chia tách hay hợp nhất sáp nhập các tổ chức hành nghề luật sư là chuyện bình thường, như sự phát triển tất yếu trong quá trình vận hành của các tổ chức hành nghề luật sư trên thị trường pháp lý, như tác giả nêu và phân tích trong cuốn sách của mình.
Bây giờ, hãy dành thời gian để nói về “Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư”, một trong những đầu sách nổi tiếng của tác giả, được đón nhận bởi bạn đọc của nhiều thế hệ khác nhau. Cuốn sách được tác giả viết trong 2 năm (2014-2016), dành cho những bạn đọc là người muốn bước vào nghề luật, muốn trở thành luật sư, muốn khởi nghiệp thành công với nghề luật sư.
Bố cục cuốn sách
Bản mình đang cầm trên tay là cuốn tái bản có bổ sung, bao gồm 10 chương và một số mẫu tài liệu, quy trình quản lý nội bộ, cụ thể:
Chương 1: Chọn nghề
Chương 2: Chọn nơi thực tập và làm việc
Chương 3: Khởi nghiệp và chọn mô hình hành nghề
Chương 4: Chọn mô hình phân chia thu nhập
Chương 5: Các công việc chuẩn bị trước và sau khi thành lập tổ chức hành nghề luật sư
Chương 6: Một số kỹ năng mềm trong hành nghề luật sư và điều hành tổ chức hành nghề luật sư
Chương 7: Những vấn đề cần quan tâm khi tổ chức hành nghề luật sư phát triển
Chương 8: Sáp nhập, hợp nhất – chia, tách các tổ chức hành nghề luật sư
Chương 9: Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Chương 10: Các hoạt động có thể làm sau khi về hưu
Nếu hỏi mình rằng, cuốn sách này hướng đến đối tượng bạn đọc nào, có lẽ khó để trả lời bằng một nhóm đối tượng nào đó trong nghề, như là sinh viên luật, hay đối tượng mới ra trường, hay những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Nếu cho rằng cuốn sách này chỉ dành cho những người khởi nghiệp, mình cho là không truyền tải đủ ý nghĩa và những thông điệp mà tác giả gửi gắm trong sách.
Hơn năm trăm trang giấy như sự đúc kết và cô đọng một quá trình dài đầy trải nghiệm và kinh nghiệm của một người luật sư đã theo nghề kiên định suốt từ những năm tháng mà nghề luật sư chưa phải là cái nghề gắn với hai từ phát triển. Có lẽ bởi vậy mà khi đọc cuốn sách này, mình không hề thấy sự khô khan hay cứng nhắc như cách mà những cuốn sách chuyên ngành hay được gắn mác.
Để nói với sinh viên và các bạn mới ra trường, đối tượng mà mình hướng đến chia sẻ khi viết blog này, có 2 chương không thể không đề cập là “Chọn nghề” và “Chọn nơi thực tập và làm việc” – 2 chương mà mình ước rằng mình được đọc ở thời điểm vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Chọn đúng nghề nghiệp sẽ giúp bạn nhanh chóng và dễ dàng đạt được thành công trong nghề nghiệp của mình. Ngược lại, nếu chọn sai nghề, bạn đã tự đặt mình vào một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc”
Chọn nghề
Ở chương “Chọn nghề”, tác giả viết rất chi tiết theo từng dấu mốc mà mỗi người đều trải qua từ việc chọn trường đại học, chọn ngành học, cho đến làm luận văn tốt nghiệp, các môn học hỗ trợ… Đặc biệt, tác giả chỉ ra những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề luật sư, những mặt trái của nghề luật sư hay các tai nạn nghề nghiệp luật sư, và cả việc làm giàu với nghề luật sư.
Có rất nhiều nội dung mà mình ước rằng mình đã được đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đầy đủ hơn cho con đường nghề nghiệp sau này. Chẳng hạn như phần “Chọn các môn học hỗ trợ”, tác giả giới thiệu một số lĩnh vực bổ trợ quan trọng mà trên con đường hành nghề luật sư, sớm hay muộn bạn cũng sẽ nhận ra sự cần thiết của chúng, như: kiến thức cơ bản về kinh tế (đặc biệt là kế toán), khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng vi tính, kỹ năng thuyết trình và hùng biện.
Có những nội dung các bạn học sinh đang chọn trường, các bạn sinh viên mới vào trường (và cả những người không làm nghề luật) cực kỳ nên đọc như phần “Những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề Luật sư”. Từ lâu, những người làm nghề luật sư thường được gắn cho rất nhiều mác như: “thầy cãi”, “phải học thuộc nhiều”, “lách luật”…. Trong cuốn sách này, Luật sư Phước đã nêu và phân tích rất xác đáng những “cái mác” thường được gắn cho nghề luật sư để người đọc có thể hiểu rõ và nhìn nhận đúng về nghề nghiệp này hơn.
Đặc biệt, phần “Những mặt trái của nghề luật sư” là nội dung mà mình nghĩ các bạn sinh viên, những người mới ra trường hoặc chưa có nhiều trải nghiệm trong nghề đều nên đọc, để tránh việc có cái nhìn màu hường về nghề nghiệp, rồi vỡ mộng khi bước chân vào thực tế. Chẳng hạn như việc “làm việc không có giờ giấc cố định”. Mình biết rất nhiều, rất nhiều bạn trong những năm đầu ra trường đi học việc, làm việc tại các công ty luật, sau đó cảm thấy vỡ mộng về giờ giấc làm việc, không thích nghi được với guồng quay công việc, nên rẽ ngang, rồi sau đó lại cảm thấy không ổn định, và hoang mang có nên quay về với nghề của mình hay không.
Mình nghĩ rằng, làm đúng nghề hay làm trái nghề không quan trọng, quan trọng là bạn cần hiểu đúng về nghề nghiệp mình làm, và hiểu để có những giải pháp phù hợp với định hướng của mình, giúp bản thân thích nghi tốt và tiến xa hơn trên con đường mình chọn, chứ không phải để đổ lỗi, trách móc “sao nghề này khổ thế”, “sao nghề luật khổ vậy”… Và những nội dung trong cuốn sách “Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư” chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc thấu hiểu công việc của mình, con đường mà bạn và mình cùng chọn.
Chọn nơi thực tập và làm việc
Đây là một trong những chương mình rất thích, và cho là rất cần cho các bạn sinh viên. Chương này giúp bạn có cái nhìn tổng quát về thị trường pháp lý Việt Nam và cân nhắc lựa chọn phù hợp với mình.
Bản thân mình thích chương này vì lúc mình còn là sinh viên, lúc mình mới ra trường, mình không biết là có nhiều sự lựa chọn như vậy. Nói cách khác, cuốn sách này mang lại cho mình góc nhìn rộng hơn, đa dạng hơn về những cơ hội việc làm. Hồi đó, mình mơ hồ có định hướng muốn làm công ty luật lớn một chút, được tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài một chút, nhưng mình không biết firm nào ngoài Vilaf và Baker & McKenzie – là 2 firm mà mình nhìn thấy tin tuyển dụng interns trên nhóm của khóa. Đôi lúc mình trộm nghĩ, nếu như ngày đó mình đọc được những nội dung trong cuốn sách của Luật sư Phước, có lẽ con đường mình đi đã khác hơn… 🙂
Trong chương này, Luật sư Phước cũng viết về việc viết CV, thư xin thực tập hay về bài kiểm tra, buổi phỏng vấn ở công ty luật… Những nội dung này, mình nghĩ đều rất hữu với các bạn sinh viên. Và chẳng có gì thực tế hơn nghe chia sẻ về xin việc của một nhà tuyển dụng kỳ cựu trong thị trường việc làm mà bạn muốn tham gia, đúng không nào?
Bạn có thể đọc thêm bài “Năm lời khuyên khi bạn muốn làm ở hãng luật lớn” để nghe thêm các chia sẻ của Luật sư Phước liên quan đến việc tuyển dụng vào các hãng luật có uy tín tại Việt Nam.
Các nội dung khác
Trong cuốn sách này, tác giả trao đổi và hướng dẫn rất kỹ về việc thành lập và phát triển tổ chức hành nghề luật sư, từ các khâu trước thành lập, sau thành lập, quản trị, điều hành, phân chia thu nhập, sáp nhập, hợp nhất, chia tách…. Rõ ràng, sự hữu ích và giá trị tham vấn (vâng, là tham vấn ạ) của cuốn sách đối với những người có ý định mở công ty luật, văn phòng luật sư là điều không thể phủ nhận. Nhưng những bạn không có ý định khởi nghiệp vẫn nên đọc những nội dung này, mình nghĩ vậy. Người ta hay nói câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Để có thể phấn đấu được tuyển dụng, hoặc phấn đấu phát triển, vươn lên ở một tổ chức hành nghề luật sư nào đó, thì một trong những điều quan trọng là hiểu được cách thức vận hành và phát triển của tổ chức đó và con đường mình có thể đi lên ở nơi mình lựa chọn.
Tác giả cũng viết về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, điều mà nhiều người ở nhiều nghề nghiệp theo đuổi, chứ không chỉ riêng nghề luật đầy phong ba và bão táp này 🙂 Và cả chuyện làm gì sau khi nghỉ hưu, sau khi đã dành nhiều năm tháng cống hiến hết mình cho công việc và đạt được những thành tựu nhất định trong nghề…
Mình học được gì
Chuyện chọn nghề
Đó là chuyện mình thấm thía nhất. Sau khi đọc cuốn sách này, mình biết đến và biết cách tìm hiểu các nguồn thông tin như Legal 500, ILFR, … và rất nhiều các giải thưởng, bảng xếp hạng khác dành cho công ty luật. Có thể độ chính xác của các bảng xếp hạng này không phải là tuyệt đối, nhưng điều quan trọng là nó mang lại cho mình nguồn thông tin để mình biết về nhiều tổ chức hành nghề luật sư hơn và tìm hiểu về tổ chức, biết nơi nào mình muốn apply vào khi mình thay đổi công việc.
Con đường phát triển khi làm việc ở tổ chức hành nghề luật sư
Có nhiều lựa chọn khi bạn bước ra từ cánh cổng trường luật, làm việc cho các tổ chức hành nghề luật sư là một trong số đó và là lựa chọn đầy gian nan, vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui và nhiều trải nghiệm nghề nghiệp thú vị. Làm việc ở các tổ chức hành nghề luật sư đòi hỏi bạn phải luôn nỗ lực trau dồi và phát triển bản thân, bởi như mọi người làm nghề hay nói, đối với nghề này, mỗi ngày thực sự là một ngày mới với những thử thách mới. Để có thể kiên định đi theo con đường này lâu dài, mình nghĩ rằng việc hiểu đường đi là một nhận thức cần có và rất cần có. Cuốn sách này sẽ giúp bạn biết rằng mình nên bắt đầu ở tổ chức hành nghề luật sư như thế nào, học hỏi và làm việc ra sao, và phấn đấu, phát triển như nào,…
Những mặt trái của nghề
Như mình có nói ở phần trên, để theo nghề, cần hiểu nghề và hiểu để có những giải pháp và lựa chọn phù hợp thay vì sự trách móc hay đổ lỗi vô lý. Những nội dung mà Luật sư Phước chia sẻ trong cuốn sách, giúp mình hiểu rõ hơn những mặt không được tích cực cho lắm trong nghề nghiệp của mình, để mình nhận thức đúng đắn và toàn diện hơn về nghề luật sư, để trang bị cho mình tư duy và những kỹ năng phù hợp, và kiên định hơn với lựa chọn của mình…
Kết luận
Cuối cùng, mình chỉ muốn nói ngắn gọn rằng: đây là một cuốn sách đáng để đọc, cho những ai dự định bước vào trường luật, những ai đang ngồi trên giảng đường với đầy hoang mang hoặc hoài bão về tương lai, nhưng ai mới làm nghề và hoài nghi nghề nghiệp của mình hoặc cần tìm những bước đi phù hợp trên con đường mình đã chọn, những ai muốn có một công ty luật, văn phòng luật riêng của mình… hay chỉ đơn giản là những ai thực sự muốn làm nghề và theo nghề luật sư. Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ “Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư“.

