Nhắn gửi tới các bạn trẻ về cái tôi trong nghề luật
Blog,  My Collection

Nhắn gửi tới các bạn trẻ về “cái tôi” trong nghề luật

Bài viết mình sưu tầm từ facebook cá nhân của Luật sư Nguyễn Trung Nam – một bài viết mà mình thấy rất ý nghĩa đối với các bạn trẻ đang hành nghề luật nói chung và các luật sư trẻ nói riêng. 

Btw, mình thấy facebook của anh Nam chia sẻ khá nhiều điều thú vị về nghề luật, nếu bạn nào hứng thú thì có thể theo dõi và đọc thêm: https://www.facebook.com/nguyen.trung.nam 

Tối qua tôi vừa trao đổi với một bạn luật sư trẻ (nói là trẻ vì bạn ấy nhỏ hơn tôi hơn 1 giáp tuổi), bạn ấy có thể hiện nguyện vọng đại ý muốn m phải được xuất hiện trước “mặt tiền” với một hình ảnh là một luật sư giỏi, thành công và được xã hội công nhận. Tôi có góp ý với bạn đó về việc để cái tôi của mình lùi lại một chút và suy nghĩ tới những điều xa hơn, những giá trị đặc biệt hơn, nhưng tôi thấy có lẽ lời nhắn gửi này nên được chia sẻ tới tất cả các bạn trẻ.

Mỗi người có xuất phát điểm ko giống nhau và con đường đến với nghề luật cũng ko giống nhau. Nhưng điểm chung của chúng ta là đều yêu nghề thì mới làm nghề này, vì nghề luật ko kiếm ra nhiều tiền như một số nghề khác nếu bạn sử dụng cùng một hàm lượng chất xám và nỗ lực như nhau. Hay nói cách khác, nghề này vừa khó vừa ko được “tiền nhiều như nước” như một số nghề khác như kinh doanh hay mua sắm. Vậy vì lý do gì chúng ta làm nghề luật?

Một là chúng ta thích đọc luật, thích làm cái khó, thích play around với những nguyên tắc của luật và sự áp dụng của chúng trong thực tiễn, thử thách các giới hạn của bản thân. Hai là qua những việc khó mà mình có thể làm, chúng ta khẳng định giá trị của chúng ta với xã hội, khiến xã hội, và hơn hết là con cái chúng ta nể trọng và tự hào về chúng ta. Cuối cùng là nghề luật nếu lựa chọn lĩnh vực phù hợp và giỏi nghề, thì thu nhập cũng ko tệ và càng nhiều kinh nghiệm và tuổi nghề, bạn càng có thu nhập tốt và sẽ đủ nuôi sống gia đình và bản thân một cách khá sung túc.

Vậy nhu cầu thể hiện “cái tôi” có phải là hợp lý và cần thiết? Chắc chắn rồi, đó là một nhu cầu rất chính đáng của mỗi người, đặc biệt là với các bạn trẻ đang cuồn cuộn nhiệt huyết, thì nhu cầu được làm superman, giải cứu thế giới, quan trọng hơn tất thảy, kể cả tiền bạc hay thậm chí tình yêu.

Nhưng nó rất có thể là con dao hai lưỡi các bạn ạ. Khi nhu cầu và sự thể hiện cái tôi của mình quá lớn, nó sẽ có hai thứ kéo bạn lùi lại, thậm chí chôn vùi những ước mơ của bạn. Một là mỗi cá nhân luôn làm việc trong một tập thể, trong nghề luật cũng vậy, bạn không thể độc lập làm mọi thứ một mình mà không cần quan tâm tới bất kỳ đồng nghiệp nào quanh mình. Làm việc trong một công ty luật, dù bạn là một luật sư giỏi, bạn cũng luôn cần hỗ trợ của ngừoi khác, của đồng nghiệp làm cùng team, của sếp, của junior support bạn, thậm chí của cả người admin và cô phục vụ mang trà nước vào phòng họp, hay bác bảo vệ trông xe cho bạn và khách. Thậm chí nếu bạn làm việc một mình (solo practice) thì bạn cũng vẫn phải có sự hỗ trợ hợp tác của luật sư đối tác, các bên khác tham gia trong giao dịch hay vụ việc. Khi những người xung quanh cảm nhận được cái “tôi” quá mạnh mẽ của bạn, phản ứng đầu tiên của họ sẽ là tiêu cực. Lẽ chung của tâm lý mọi người là với ai càng lễ độ, kính trên nhường dưới, khiêm tốn không khoe khoang khoác lác về thành tích của mình, thì người ta càng yêu quý, kính trọng và hỗ trợ hợp tác với bạn. Ngược lại với ai “đã xấu lại còn tinh vi con lợn nhựa” thì người ta lại càng ghét và muốn đạp kẻ đó xuống bùn cho nó đỡ tinh tướng. Trong mỗi con người đều có chút ít sự ích kỷ và không thoải mái khi kẻ khác ko ngừng nói hoặc thể hiện sự thành công của họ trước mặt mình. Ko ưa thì dưa hoá dòi, bạn sẽ gặp trắc trở trên con đường phát triển của mình bất kể bạn nỗ lực hay yêu nghề luật như thế nào, bạn sẽ khó mà tiến xa để thành công.

Điều thứ hai tồi tệ hơn, đó là khi bạn giỏi hoặc tỏ ra giỏi, thì những người giỏi thật, siêu giỏi, họ không bao giờ “chọn mặt gửi vàng” nơi bạn, để truyền thụ “bí kíp võ công” mà họ tu luyện cả đời để có được. Phàm người càng thể hiện nhiều tham vọng và khát khao làm bố của thiên hạ, thì khi họ lên làm bố thiên hạ thật, hoặc họ tưởng là đã làm bố thiên hạ rồi, cả cộng đồng làm nghề sẽ khổ vì kẻ quá nhiều khát vọng và tham vọng đó. Vì sao ạ? Bạn đã ở trên đỉnh cao thì khó mà chấp nhận một hay nhiều người khác vượt lên trên mình, bạn sẽ triệt hạ, sẽ huynh đệ tương tàn với những người trẻ hơn nhưng giỏi hơn bạn vươn lên một ngày nào đó. Và bạn không bao giờ có thể buông tay để đi xuống khỏi bục vinh quang nếu ko phải là ai đó đẩy bạn xuống té cái bịch. Vì thế trong nghề luật hay nghề nào cũng vậy, phàm là các bậc cao tăng đắc đạo sẽ đều nhìn vào tư cách đạo đức khiêm nhường của “candidate” để lựa chọn xem có thu nạp đệ tử, hay truyền thụ kinh nghiệm, trước khi xét đến khả năng hấp thu tinh hoa của bạn. Vì người có đạo đức khiêm nhường và có lòng bao dung lớn sẽ biết dẹp bỏ ích kỷ, nâng đỡ người khác, và biết buông bỏ khi đến lúc. Như thế tài năng và kiến thức mới được truyền thụ hết thế hệ này qua thế hệ khác, người giỏi này qua người giỏi khác. Thể hiện cái tôi của mình quá lớn, sự tham vọng của mình quá mạnh mẽ, vô hình chung bạn sẽ loại bỏ tất thảy những người thầy, người thầy của thầy, có thể đã để mắt tới bạn và mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho bạn.

Nói về chuyện này, tôi nhớ lại một câu chuyện về một trọng tài viên, chuyên gia về nghề luật hàng hải. Chú giờ đã rất già, nhưng trong một lần chú ăn trưa với tôi, chú chép miệng bảo: trong nghề mình bgio có cái thằng X dạo này thấy ăn nói ra dáng nhỉ, nói đâu ra đấy mà rất mạnh miệng. Cũng trong buổi ăn trưa đó, chú than thở mình già rồi mà bao nhiêu kiến thức chẳng biết truyền lại cho ai, vài bữa ngủ với giun rồi cũng đem theo xuống mồ là mất hết. Tôi không phải một chuyên gia hàng hải, tôi chỉ làm nghề dính tới hàng hải vì “bộ môn chính” của tôi là dầu khí mà ngành dầu khí ở Việt Nam toàn bộ phát triển ngoài khơi, nên tôi ăn ké được kiến thức thực tiễn về các hoạt động ngoài biển, và tôi biết chừng đó là không đủ để tôi trở thành một học trò “chân truyền” của chú. Nhưng nghe chú nói tôi thoáng nghĩ tại sao lại chú ko “truyền nghề” cho đồng chí X đó nhỉ? Phải chăng vì chú nghĩ “thằng X đó nó tinh tướng thế, chắc gì nó đã chịu nhận có ai hơn nó, mình có truyền nghề nó cũng ko trân trọng cái mình cho”.

Vậy làm sao để không “bị ghét” mà vẫn thể hiện được cái “Tôi” to tướng của bản thân? Tôi nghĩ khó mà dễ. Các bạn trẻ thường hay bị ấm ức khi nghĩ rằng mình bị tranh công, vì mình quá trẻ mà người lớn tuổi hơn hay giành lấy sản phẩm công việc của mình làm thành công của họ, chỉ vì họ ở vị trí quản lý hay là người thể hiện giới thiệu sản phẩm đó ra cho khách hàng, đối tác hay cả thế giới. Thật ra các bạn đang bị bệnh nghĩ về mình quá nhiều, sợ mình thiệt quá nhiều, mà quên mất hai thứ:

Một là năng lực làm việc của bạn, trình độ kiến thức và kinh nghiệm mà bạn thu nạp được qua từng công việc nghiên cứu, từng dự án, là thứ mà ko ai tranh cướp được của bạn. Thay vì dành thời gian và tâm trí để buồn khổ vì bị tranh công (bất kể đó là thật hay do bạn tự tưởng tượng ra), hoặc tệ hơn là quay lại đối đầu và tìm cách giành lại “title” của mình, bạn lẽ ra đã có thể lao tiếp vào một công việc mới, một dự án mới, với những trải nghiệm mới, trang bị kiến thức mới và xây đắp những năng lực mới. So sánh giữa hai việc với nhau, một việc biến bạn thành kẻ xấu xí và chán nản, một việc biến bạn thành một con người năng động, và giỏi giang hơn nữa. Bạn thấy cái nào hơn?!

Hai là: gái có công chồng chẳng phụ! Bạn đừng tưởng cả thiên hạ này ngu. Những người có chút tinh tế họ sẽ biết ngay ai là người đứng sau việc gì. Khi tôi tuyển dụng người, tôi cũng ko đọc CV xem họ chém gió những gì, mà tôi phỏng vấn và nghe họ mô tả về cách mà họ hoàn thành các nhiệm vụ, cách họ xử lý những tình huống khó như thế nào. Ngày xưa tôi còn trẻ rất nhiệt huyết, được sếp trưởng phòng thương mại giao đi đàm phán một hợp đồng giá trị lớn mấy trục triệu USD và lần đầu tại Việt Nam, kéo dài hàng năm trời. Cứ đến nơi họp là ông sếp tôi té mất lo việc riêng, để lại tôi một thằng nhân viên thương mại 22 tuổi đi đàm phán với toàn Tây ròng rã từng tuần này qua tuần khác. Gần ngày họp cuối của mỗi phiên họp, lão gọi tôi để nghe tôi brief một lượt tình trạng các điều khoản tranh cãi chính, rồi chỉ đạo cái a làm thế này, cái b làm thế kia, cdef làm như nào như nào… khi hợp đồng được ký, tôi tự thấy ấm ức: mình đứng đằng sau hợp đồng thế kỷ này, nhớ từng điều khoản lịch sử nó ra sao, mình giành được điểm nào lợi, điểm nào thiệt, nó như đứa con tinh thần của tôi trong cả năm trời. Ấy thế mà lễ ký ceremony này nọ tôi chỉ là thằng loong toong chạy quanh, ông sếp lên phát biểu hoành tráng cả bao nhiêu quan khách vỗ tay râm ran. Cũng may cuối cùng tôi cũng đủ tỉnh táo để nuốt hết cái “tôi” của mình ngược lại dạ dày, để ko phản pháo ông sếp hay đi rêu rao về đứa con tinh thần của mình. Sau này tôi tiếp tục đàm phán và tham gia soạn thảo nhiều hđ khác, trở thành trùm sò trong loại hình hợp đồng dầu khí này, tất cả mọi người trong nghề khi gặp việc khó đều gọi tôi hỏi nhờ tư vấn. Thậm chí lúc có dự án rất lớn ra đời, các chủ đầu tư tìm tới tôi đầu tiên để xin tư vấn, và tôi bill khách vô cùng thoải mái trong nhiều năm liền của dự án. Thực sự tôi phải cảm ơn ông sếp cũ của tôi rất nhiều, nếu ông ấy ko thảy tôi vào nồi nước sôi lửa bỏng như vậy, tôi đã ko thể có những thành tựu lớn sau đó. Và quan trọng hơn tôi thấm thía được điều này: danh tiếng không phải ở lời nói mà ở việc làm. Bạn làm được việc khó, việc rất tốt thì sẽ có người nhìn ra và tìm đến bạn. Không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải bảo vệ IP của mình một cách tiêu cực thái quá, thứ quan trọng hơn bạn cần nghĩ tới là làm sao để bạn làm được những điều khó hơn, ghê gớm hơn, để người ta cứ thấy gì khó là tự nhiên phải tìm đến bạn.

Ngược lại, nếu bạn chưa cống hiến đã lo bị tranh công, thì muôn đời bạn chỉ lóp ngóp ở trong cái giếng bé tí của bạn nhìn lên khoảng trời bé nhỏ, hẹp hòi. Thời buổi Việt Nam ta Lý Thông thì nhiều, Thạch Sanh thì ít, các bạn tránh sao hết phỏng ạ?!?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *