Vài suy nghĩ về nhảy việc/nghỉ việc ở các công ty luật
Blog,  My Collection

Vài suy nghĩ về nhảy việc/nghỉ việc ở các công ty luật

Nhảy việc hay nghỉ việc ở công ty này để chuyển đến công ty khác là một thực tế hết sức bình thường mà công ty nào cũng phải đối diện, công ty luật cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi nhảy việc phần lớn các luật sư/nhân viên không đưa ra lý do thực sự của nghỉ việc. Có người nói rằng, đã chọn sai nghề luật? Người khác nói cần thời gian để học ngoại ngữ; người thì muốn thay đổi không khí, môi trường làm việc, tìm kiếm những cơ hội thách thức mới…

Vậy, lý do thực sự của nhảy việc là gì?

Tìm cơ hội phát triển năng lực bản thân:

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đến đầu năm 2021, chúng ta có tới 95 cơ sở đào tạo luật, nên nhu cầu tìm việc của cử nhân luật hàng năm rất lớn. Tuy nhiên để tìm được các công ty luật có nhu cầu tuyển dụng thực sự không dễ dàng chút nào. Vì vậy, mục tiêu trước mắt của các cử nhân luật có học lực bình thường, tiếng Anh trung bình là tìm được “chốn dung thân” rồi “hạ hồi phân giải”.

Đối với những người có học lực khá, giỏi, tiếng Anh tốt muốn được phát triển bản thân và thăng tiến công việc nhanh, họ tìm đến các công ty luật có tiếng tăm (Việt Nam hoặc nước ngoài) với mục đích duy nhất là nhận được mức lương tốt, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Khi nhận thấy không còn cơ hội phát triển hơn nữa họ sẽ tìm đến môi trường phù hợp, có mức lương xứng đáng hơn để thử thách năng lực bản thân.

Có người lựa chọn hướng đi cho riêng mình sau thời gian tích luỹ kinh nghiệm, học hỏi cách thức quản lý, điều hành công ty luật, đó là khởi nghiệp riêng nghề luật. Đây là trường hợp bất khả kháng không thể tránh khỏi. Khi con chim đã đủ lông đủ cánh nó sẽ bay đi tìm một chân trời mới. Mặc dù điều kiện làm việc, lương bổng, đãi ngộ, độ an toàn, ổn định trong công việc có tốt hơn cũng không thể níu chân họ ở lại.

Không hài lòng với mức lương:

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khi nhân viên nhảy việc. Những người ra đi vì mức lương thấp ít khi nói thật về vấn đề này, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi hầu hết quyết định nghỉ việc của họ bị chi phối khi có một công ty luật khác hoặc vị trí pháp chế của doanh nghiệp nào đó sẵn sàng trả mức lương cao hơn.

Nhiều công ty luật trả lương theo phương thức: Lương cứng, chi phí, lương tháng 13, phúc lợi (+) với tỷ lệ % trên số vụ việc hoàn thành; công ty luật khác trả một khoản lương cố định, thưởng tháng thứ 13 và phúc lợi…Chính vì vậy, nhân viên nghỉ việc sẽ tính toán điều kiện trả lương nào tốt nhất, vừa đỡ áp lực phải hoàn thành công việc trong thời hạn đã định, có nhiều thời gian dành cho gia đình vừa nhận được khoản tiền lương cao, ổn định hàng tháng.

Luật sư, nhân viên bỏ việc để về làm cho công ty khác thực sự là một tổn thất lớn đối với bất kỳ công ty luật nào, khi họ đem các bí mật, kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn, tranh tụng, data khách hàng nơi làm việc cũ để phục vụ cho công ty mới.

Không được sắp xếp công việc phù hợp:

Mỗi người đều có sở trường, sở đoản riêng về kỹ năng cứng, mềm, kinh nghiệm trong hành nghề luật. Nếu không được sắp xếp đúng vị trí họ sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương dẫn đến quyết định ra đi để tìm môi trường khác, có người sếp đủ tầm hiểu và tin tưởng vào khả năng của mình hơn.

Mâu thuẫn với sếp, đồng nghiệp:

Đây là nguyên nhân khá phổ biến khi nhân viên nhảy việc vì “cái tôi” của dân luật quá lớn, không ai chịu nhường nhịn ai. Họ mâu thuẫn với sếp và đồng nghiệp vì nhiều lý do và không thể bỏ qua cảm xúc cá nhân để có thể tiếp tục cống hiến cho công ty.

Nhà thơ trữ tình người Hy Lạp trước công nguyên Simonide de Céos đã nói về công bằng rất súc tích: “Công bằng là cho mỗi người cái phần họ có quyền được hưởng”. Nhưng thật đáng buồn, trong rất nhiều công ty luật, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn thường đến từ sự không công bằng trong phân công công việc và và phân chia lợi ích. Nhiều sếp không thích lắng nghe, cực đoan áp đặt quan điểm, không quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên; chế độ tăng lương, thưởng, phạt không phân minh, thiên vị, ưu ái dẫn đến nội bộ ganh ghét, đấu đá lẫn nhau cũng là những lý do dẫn đến nhảy việc của nhân viên.

Hiện tượng nhảy việc có phải là thảm họa hay không đối với công ty luật?

Trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan từ 2 góc độ. Thứ nhất, luật sư, nhân viên đó có quan trọng hay không? Có nghĩa là đây có phải là người có năng lực và đem lại nhiều giá trị cho công ty hay không? Thứ hai, luật sư, nhân viên đó có thể thay thế được hay không?

Nếu một nhân viên thỏa mãn cả hai điều kiện quan trọng và khó thay thế thì việc họ ra đi quả là thảm họa của công ty luật và người quản lý cần phải tìm hiểu rõ ràng lý do họ nghỉ việc để đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất: Thuyết phục họ ở lại với điều kiện tốt hơn hoặc đồng ý cho họ nghỉ việc. Nhưng với những nhân viên không đem lại nhiều giá trị và có thể tìm người thay thế dễ dàng, hãy để họ ra đi. Đây chính là cơ hội để các công ty luật thanh lọc bộ máy đem về nguồn nhân sự mới chất lượng hơn.

Tuy nhiên, để chủ động trong việc thay thế nhân sự trong mọi trường hợp, các công ty luật nên xây dựng cho mình bộ khung và quy trình, tiêu chuẩn bộ máy nhân sự chuẩn mực, danh sách ứng cử viên dự phòng để có thể thay thế vào những vị trí khuyết khi có biến động nhân sự.

Cần phải làm gì để luật sư/nhân viên không nhảy việc?

Tổng kết lại các nguyên nhân dẫn đến nhảy việc của luật sư/nhân viên của các công ty luật, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng: Mọi quyết định nhảy việc đều do nhân viên không còn cảm thấy hạnh phúc với công ty.

Vậy hạnh phúc của họ là gì?

Hạnh phúc chính là câu trả lời ngược cho lý do nghỉ việc của họ. Đó là mức lương cao, đãi ngộ tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, sếp và đồng nghiệp thân thiện, cơ hội thăng tiến rõ ràng, trở thành đối tác (Partner), được tin tưởng đánh giá đúng năng lực, giao quyền thực trong độc lập xử lý vụ việc.

Mỗi luật sư, nhân viên sẽ có một suy nghĩ khác nhau về hạnh phúc. Có người coi trọng mức lương, người khác lại đề cao môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn hoá, sự phát triển trong tương lai của họ trong công ty. Tóm lại, hạnh phúc là khi họ thoả mãn các yếu tố kể trên. Khi các yếu tố đó được thỏa mãn họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và gắn bó lâu dài với công ty.

Đơn cử, nếu một luật sư, nhân viên tư vấn được trả đúng mức lương, thưởng mình mong muốn, anh ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Mặc dù bị áp lực về thời gian giải quyết công việc, bị sếp mắng, nhưng hạnh phúc lớn nhất của anh ta là được nhận mức lương cao. Chính vì vậy, chừng nào còn được trả lương, thưởng cao như mong muốn, thì anh ta còn cảm thấy hạnh phúc và sẽ không nhảy việc.

Làm sao để luật sư/nhân viên cảm thấy hạnh phúc?

Khi nói về hạnh phúc của nhân viên, Google – một công ty hàng đầu mà bất cứ nhân viên nào cũng mơ ước được làm việc đã đưa ra triết lý: Chúng tôi tập trung vào chính vào con người.

Tập đoàn này hoạt động và phát triển dựa vào những nhân viên của mình. Mục tiêu của họ là phải làm thỏa mãn từ khách hàng cho tới nhân sự của mình. Họ cho nhân viên được phát triển tự do: tự do sáng tạo, tự do làm việc mà không cần tới công ty. Họ xây dựng phòng làm việc như một quán cà phê, phục vụ cho nhân viên đồ ăn, thức uống và các trò chơi giải trí. Làm cho nhân viên luôn cảm thấy như được làm việc ở nhà và cống hiến hết mình cho ngôi nhà chung.

Đồng thời, một yếu tố quan trọng là Google luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thứ và cho nhân viên thử nghiệm bất cứ điều gì họ muốn. Nghĩa là nhân viên được tin tưởng tuyệt đối, được giao quyền.

Cuối cùng là mức lương, Google không những trả lương cao ngất ngưỡng cho nhân viên mà còn hỗ trợ tài chính cho gia đình của họ. Nhân viên chỉ cần tập trung làm việc, nghiên cứu, phát triển cả thế giới, mọi việc còn lại đã có Google lo.

Lời kết: Chắc chắn rằng các công ty luật không thể bắt chước hoàn toàn xây dựng mô hình như Google, tuy nhiên để các luật sư, nhân viên cảm thấy hạnh phúc gắn bó lâu dài, nên chăng các công ty luật cũng phải tạo môi trường làm việc thân thiện, trả lương, thưởng, phúc lợi, cơ hội thăng tiến xứng đáng để cho họ cảm giác như đang được làm việc cho chính ngôi nhà của mình. Dù đi đâu về đâu, mọi người đều nhớ về nhà và chẳng ai muốn rời bỏ ngôi nhà thân yêu của mình./.

Bài viết được sưu tầm từ FB của LS. Lê Thành Kính.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *