Khác biệt giữa làm việc tại hãng luật và pháp chế
Blog,  My Collection

Lựa chọn nghề nghiệp cho Luật sư: Khác biệt giữa làm việc tại hãng luật và pháp chế? (Phần 1)

Tôi thường gặp trên diễn đàn và ngoài đời thực, từ các bạn mới ra trường và cả từ các luật sư câu hỏi về sự khác biệt giữa công ty luật và pháp chế. Cũng may mắn là tôi trải qua khá nhiều môi trường (công ty nhà nước, tập đoàn tư nhân, công ty kiểm toán, công ty luật), đã làm cả pháp chế lẫn luật sư tại hãng luật. Vậy nên hôm nay xin được chia sẻ những kinh nghiệm của mình về chủ đề này, so sánh giữa hai môi trường, hãng luật và pháp chế.
Về cơ bản, cả hai đều là công việc ngành luật, và bạn đều phải tư vấn luật, review hợp đồng, kiện tụng, thủ tục…v.v nhưng vẫn có rất nhiều điểm khác biệt. Nếu bạn đã từng trải qua cả hai môi trường rồi thì sẽ dễ để cảm nhận, nhưng đối với các bạn mới tốt nghiệp, hoặc luật sư nhưng chưa từng làm môi trường còn lại thì sẽ khó để thấy hết.
Tất nhiên mỗi công ty luật, mỗi ban pháp chế cụ thể sẽ khác nhau, còn tùy thuộc về quy mô, danh tiếng công ty, lĩnh vực kinh doanh, và loại vị trí cụ thể: mới tốt nghiệp, có kinh nghiệm, cấp quản lý … Việc so sánh là ở mức độ tổng quát giữa các vị trí công việc và tổ chức ở mức độ tương đương nhau.
Lưu ý rằng đây cũng là một câu hỏi khá phổ biến trong quá trình tuyển dụng, nhất là khi chuyển từ công ty luật sang pháp chế hay ngược lại, nếu bạn ở trong tình huống này, hãy cân nhắc kỹ càng để chọn câu trả lời phù hợp, như thế sẽ tốt hơn là nói ra tất cả những điều dưới đây. Bây giờ là cụ thể các điểm khác biệt:

1. Giờ làm việc

Làm thêm giờ là một điều rất bình thường tại các công ty luật. Hãng luật càng danh tiếng thì bạn càng phải làm việc chăm chỉ. Tôi có những người bạn làm việc tại 2 công ty luật lớn nhất của Việt Nam và chứng kiến họ làm việc vào cuối tuần khá thường xuyên. Cuộc sống tại công ty luật là một chuỗi deadline vô tận, bạn sẽ không thường xuyên có nhiều khoảng trống trong ngày làm việc. Làm pháp chế thì sẽ đỡ áp lực hơn về mặt thời gian. Nếu bạn biết cách quản lý công việc tốt, thường là bạn sẽ rời văn phòng đúng giờ. Tất nhiên sẽ có những công việc gấp yêu cầu bạn phải làm bất kể thời gian, tuy nhiên đó không phải là điều xảy ra hàng ngày. Nếu bạn làm việc với vai trò luật sư trong các loại công ty tư vấn không phải là công ty luật, ví dụ như công ty kiểm toán kiểu big 4 (KPMG, E&Y…) hoặc các công ty tư vấn quản lý (vd: Mc Kinsey…), văn hóa về giờ làm việc cũng tương tự như tại các công ty luật.

2. Lương

Lương trong công ty luật thường là cao hơn so với pháp chế cho các vị trí tương đương, ngoại lệ đối với level mới ra trường/không có kinh nghiệm. Nếu một bạn mới ra trường/chưa có kinh nghiệm đi làm chuyên viên pháp chế thì bạn đấy sẽ có khả năng nhận lương cao hơn so với việc làm trợ lý luật sư tại công ty luật (sự chênh lệch, có thể ví dụ là: 4 so với 6 hoặc 7 so với 10 (triệu VND)). Sự thật khá buồn cho các bạn sinh việt luật tại Việt Nam là mức lương khởi điểm trong các công ty luật khá thấp hơn so với các ngành nghề khác. Lại nói đến giờ làm việc, có một sự thật hài hước: khi tư vấn luật, bạn sẽ luôn nói với các khách hàng của mình rằng việc làm thêm giờ sẽ được trả 150% lương giờ làm bình thường theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Nhưng nếu bạn làm việc tại công ty luật, bạn sẽ tự động chấp nhận việc làm thêm giờ mà không có thêm lương. Trong kinh nghiệm của mình, tôi chưa bao giờ thấy một công ty luật nào trả lương làm thêm giờ. Duy nhất một ngoại lệ là một công ty luật của Nhật, họ trả lương cho làm thêm giờ cho các trợ lý luật sư. Đối với các thông tin về lương, bạn có thể tham khảo qua các số liệu thống kê của các công ty nhân sự như Navigos, First Alliances, Adecco…v.v để nhìn thấy sự khác biệt giữa công ty luật và pháp chế. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng những thống kê của các công ty nhân sự hàng đầu sẽ được thu thập dựa vào thông tin từ các khách hàng của họ – là những công ty thuộc top trả lương cao. Ngoài ra, các công ty luật thường không hay tìm người thông qua các công ty nhân sự. Vì thế những số liệu đó sẽ không thể phản ánh cho toàn bộ thị trường luật sư, tôi nghĩ rằng con số trung bình của thị trường là tương đối nhỏ hơn.

3. Phong cách làm việc

Điều này phụ thuộc rất nhiều và kỹ năng quản lý của từng cá nhân luật sư điều hành và trưởng ban/giám đốc pháp chế (TBPC), họ sẽ là những người quyết định phong cách làm việc của công ty luật hoặc phòng pháp chế. Nhưng nói chung, các hãng luật (nhất là các hãng luật quốc tế có lịch sử phát triển lâu năm) thường sẽ có một hệ thống và chuẩn mực quản lý công việc tốt hơn. Luồng công việc và phối hợp nhóm trong hãng luật thường nhịp nhàng hơn. Đối với các luật sư thuần về kiến thức chuyên môn, họ sẽ thấy dễ chịu hơn khi làm việc trong môi trường có đầy đủ các chuẩn mực, vai trò vị trí, luồng công việc đã được sắp đặt quy củ.
Trong khi đó, công việc pháp chế đòi hỏi khả năng độc lập xử lý công việc và kỹ năng tương tác tốt với đồng nghiệp xung quanh. Bạn cần phải biết tự mình học hỏi. Bạn sẽ dễ gặp tình huống khó xử vì việc thiếu đi những quy định rõ ràng về luông công việc và vai trò cụ thể của từng vị trí. Sự nhảy cảm để biết mình nên hay không nên làm gì là điều rất quan trọng. Trong môi trường pháp chế, mọi người mong muốn bạn có thể xử lý và hoàn thành công việc một cách độc lập, việc kiểm tra/rà soát chéo thường là rất ít trong một ban pháp chế.
Theo quan điểm riêng của mình, cho mục đích học hỏi thì các bạn mới ra trường nên làm việc cho các hãng luật, bởi các hãng luật thường có phong cách làm việc tốt hơn, ngoài ra tại đây, các bạn thường sẽ được các luật sư có kinh nghiệm kèm cặp và rà soát lại chất lượng công việc của bạn. Đó sẽ là cách học hỏi dễ dàng hơn cho những người mới vào nghề.

4. Kinh nghiệm tích lũy

Tại công ty luật: Các khách hàng của bạn đến từ nhiều hoàn cảnh, lĩnh vực (sản xuất, dịch vụ, kỹ thuật, bất động sản, thương mại…v.v), điều này khiến bạn sẽ phải nghiên cứu luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau khá thường xuyên. Kể cả đối với luật sư có nhiều năm kinh nghiệm, sẽ luôn luôn có những câu hỏi mới phía trước. Chính vì vậy, kiến thức pháp luật của bạn sẽ trở nên đa dạng và tổng quát. Bạn sẽ phải viết các thư tư vấn, bài nghiên cứu pháp luật đòi hỏi nhiều về sự thận trọng và có cấu trúc hàn lâm. Các sản phẩm của bạn phải nhìn đẹp trong một mẫu biểu chuyên nghiệp. Kỹ năng quản lý thời gian của bạn cũng sẽ được phát triển để phù hợp với khối lượng công việc bạn cần xử lý.
Pháp chế: Làm pháp chế tức là bạn sẽ có một khách hàng duy nhất với phạm vi kinh doanh nhất định, đó chính là công ty mà bạn làm việc. Điều này đòi hỏi một kiến thức chuyên môn sâu sát gắn liền với lĩnh vực kinh doanh của công ty. Khi một vấn đề pháp lý được đưa ra, người kinh doanh thường thích những bản tư vấn rõ ràng, có hiệu quả để vận dụng xử lý vấn đề hơn là một bản tư vấn chuẩn chỉnh mang tính hàn lâm. Một lợi thế khi làm pháp chế đó là bạn sống giữa môi trường kinh doanh, điều này cho bạn các cơ hội để thấy luật được áp dụng trên thực tế như thế nào và bạn sẽ thấy cách một công ty “lách luật” cụ thể thế nào. Luật sư tại hãng luật sẽ có ít cơ hội này hơn, trừ những người làm tranh tụng, vì khi đó khách hàng buộc phải tiết lộ toàn bộ sự thật và ý định sâu xa của họ.
Một điểm khác biệt nữa là về nghiệp vụ rà soát hợp đồng, đây là một nghiệp vụ thường gặp đối với những người làm pháp chế. Tôi muốn nói về vấn đề này nhiều hơn nhưng có lẽ sẽ mất nhiều giấy mực (tương tự như post này) để diễn đạt đầy đủ.

5. Vai trò trong tổ chức

Bạn sẽ có cảm giác khác biệt giữa hai môi trường. Làm luật sư trong hãng luật tức là bạn có vai trò trung tâm, bạn là một tài sản tạo ra tiền. Những giờ tư vấn tính phí và bảng tính thời gian của bạn thể hiện rõ tính lợi nhuận của bạn. Những người khác, nhân sự, hành chính, kế toán được đặt xung quang chỉ để hỗ trợ bạn. Bạn sẽ có quyền lực vì bạn chơi vai chủ chốt trong cuộc chơi. Làm pháp chế thì khác. Phòng pháp chế là một chi phí để giảm thiểu rủi ro, nó không phải là một bộ phận mang về lợi nhuận hay một bộ phận bắt buộc phải có trong một công ty. Bạn ở đó để trợ giúp mọi người, lãnh đạo công ty nhìn nhận vai trò của bạn như vậy. Nếu bạn ở một công ty luật, khách hàng tìm đến bạn khi họ thực sự cần một luật sư. Họ thực sự muốn có được lời tư vấn của bạn để thực hiện hoặc để đưa ra quyết định. Trong khi đó, đối với vị trí pháp chế, trong rất nhiều trường hợp, mọi người tìm đến bạn với suy nghĩ rằng phòng pháp chế như là một cánh cổng mà họ phải đi qua. Ví dụ như nhân viên phòng bán hàng có thể đưa cho bạn một bản dự thảo hợp đồng sơ sài, anh ta chỉ mong muốn việc bán được hàng và không muốn lưu tâm đến những comments của bạn về rủi ro hợp đồng. Anh ta cần có được chấp thuận từ bạn cho HĐ vì đây là điều bắt buộc trong quy trình nội bộ của công ty. Vì thế, bạn cũng thấy có một chút “quyền lực” của người gác cổng…

Bài viết được sưu tầm từ fanpage The skilled lawyers – Kỹ năng luật sư của Luật sư Tuấn Trịnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *