Chào mừng bạn đến với Đại học Luật Hà Nội
Blog,  Dành cho dân luật,  Sinh viên luật

Học luật ở Đại học Luật Hà Nội – nên hay không nên?

Nếu bạn đang là học sinh lớp 12 và tăm tia ngành luật, việc học luật ở đâu ắt hẳn sẽ là một chủ đề bạn sẽ quan tâm đúng không nào?

Mình là cựu sinh viên của Đại học Luật Hà Nội, nên mình muốn chia sẻ một số ý kiến và trải nghiệm của mình ở đây, để các bạn tham khảo cho dự định tương lai của bản thân nhé.

Đại học Luật Hà Nội có đội ngũ giảng viên đông đảo với chuyên môn sâu, nhiệt huyết và rất thân thiện

Mình muốn để tiêu chí này lên đầu tiên, vì đó là điều mà mình cảm nhận rõ rệt nhất trong suốt bốn năm mình ở đây.

Với đặc thù là việc không cố định giảng viên cho mỗi lớp đối với từng môn, mà thay đổi giảng viên cho mỗi buổi học, sinh viên của Đại học Luật Hà Nội có cơ hội được tiếp xúc với nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với cùng một môn học.

Vì không cố định, nên ở góc độ nào đó, việc học sẽ không thụ động và một màu theo kiểu giảng và góc nhìn của giảng viên, mà đòi hỏi sự chủ động của sinh viên để thích ứng với nhiều cách tư duy khác nhau.

Hơn nữa, vì kiểu học tín chỉ, nên bạn có thể đi nghe giảng ở nhiều lớp khác nhau với cùng một nội dung, hoặc nếu có thầy cô nào giảng hay & khiến bạn thích thú, bạn có thể chủ động xin lịch giảng để đi nghe giờ của thầy cô đó ở các lớp khác nữa. Mình thực sự rất rất thích điều này ở trường mình.

|| Bạn có thể xem một số cách để biết lịch giảng của thầy cô ở đây nhé. Tất nhiên, chỉ là vài tips nhỏ nhỏ cho nếu bạn là sinh viên năm đầu còn bỡ ngỡ thôi, chứ học xong một, hai kỳ sẽ thành “cáo” ngay.

Đại học Luật Hà Nội có một thế hệ giảng viên trẻ, nhưng rất giỏi và nhiệt huyết. Mình vẫn nhớ những giờ học Lý luận với cô Thảo, học dân sự với cô Long, thầy Hợi, học đất đai với cô Mai, thương mại với thầy Đông, thầy Chính, tài chính ngân hàng với thầy Hải…

Các thầy cô đều giảng rất lôi cuốn, giải đáp thắc mắc rất tận tình, và còn rất dễ thương nữa. Nếu không tin, bạn thử lên follow một số fanpage như Trang thông tin Bộ môn Luật Tài chính Ngân hàng, Trang thông tin Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật mà xem. Cho đến bây giờ, thế hệ các bạn của mình đã ra trường lâu rồi, những chúng mình vẫn follow fanpage, thi thoảng vẫn vào xem các bài viết của thầy cô nữa đấy.

Đại học Luật Hà Nội chú trọng đào tạo chuyên môn, giúp sinh viên có nền tảng chuyên môn vững chắc khi ra trường

Nghe thì có vẻ hơi sáo rỗng, lại có chút giống với mấy bài phát biểu gì đó, nhỉ? Nhưng quả thực, đó là cảm nhận của mình về nơi đã đào tạo mình.

Lúc bạn vẫn còn đi học, vẫn còn chưa tốt nghiệp, vẫn chưa biết công việc thực tế ra sao mà chỉ nghe qua “người ta nói”, “tiền bối kể”, bạn sẽ không biết được có background vững chắc là lợi thế lớn đến như thế nào đâu.

Khi bạn bắt đầu một case tư vấn, tiếp cận một hồ sơ tranh chấp, bạn mới dần nhận ra rằng, nếu ngày xưa mình chăm chỉ học hơn, thì có lẽ bây giờ đã có sẵn nguồn kiến thức để truy xuất, chứ không phải mò mẫm lại từ đầu như vậy…

Khi bạn làm các công việc đúng ngành và cần kiến thức, cần tư duy, cần nghiên cứu, bạn sẽ thấy việc đọc luật suốt những năm tháng sinh viên, hay việc thường thảo luận, trao đổi các vấn đề pháp lý khi học giờ thảo luận ở trường luật, quả thực không hề phí.

Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem, anh A và cô B cùng đi làm ở một law firm, anh A lúc còn sinh viên lười đến lớp, thường ngủ gục trong giờ lý thuyết và chẳng bao giờ trao đổi gì với giảng viên hay các bạn khác vào giờ thảo luận, cô B lại chăm chỉ đi nghe giảng viên giảng bài – mà thực chất là nghe trao đổi – vì trước đó cô B đã tự nghiên cứu vấn đề này, đặt ra rất nhiều câu hỏi và đưa ra trao đổi, thậm chí tranh luận với giảng viên vào giờ thảo luận, đến nỗi luật lá cô B nắm rõ trong lòng bàn tay, thì ai khi được giao việc nghiên cứu, tư duy sẽ có khả năng xử lý tốt hơn?

Hiển nhiên, tư duy khi xử lý công việc thực tế sẽ khác nhiều so với tư duy nghiên cứu luật của sinh viên, nhưng điều đó không có nghĩa là kiến thức nền mà bạn thu thập được khi nghiên cứu sẽ không bổ trợ cho việc xử lý công việc thực tế, bởi cả hai đều xuất phát từ các quy định pháp luật, chỉ là góc nhìn khác nhau mà thôi.

|| Xem thêm về cách đọc luật hiệu quả, nếu bạn muốn xây dựng nền tảng vững chắc ngay từ khi còn là sinh viên nhé.

Sinh viên của Đại học Luật Hà Nội rất năng động

Sự năng động này biểu hiện ở cả hai khía cạnh: các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động chuyên môn.

Ở Đại học Luật Hà Nội, có rất nhiều câu lạc bộ mà sinh viên có thể tham gia: nếu bạn thích tình nguyện, có Câu lạc bộ tình nguyện, nếu bạn thích tổ chức events, hãy về với CEO – Câu lạc bộ tổ chức sự kiện, nếu bạn thích đàn hát, Câu lạc bộ âm nhạc & nghệ thuật sẽ chào đón bạn, nếu bạn thích những thức học thuật và nghiên cứu khoa học, hãy thử apply vào Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học nhé.

Bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài Các câu lạc bộ ở trường Đại học Luật Hà Nội. Bên cạnh các câu lạc bộ, bạn còn có thể tìm hiểu thêm về các cuộc thi, có nhiều chủ đề đa dạng và phong phú, như Charm of Law (cuộc thi về sắc đẹp), E-Golden (cuộc thi về trí tuệ theo format rung chuông vàng), Socrates (cuộc thi về tranh biện),…

Các câu lạc bộ, hay các cuộc thi, hay những lần tổ chức chương trình sẽ mang lại cho các bạn những trải nghiệm rất thú vị, tô điểm thêm màu sắc cho cuộc sống sinh viên của bạn, và cả CV của bạn sau này nữa.

Còn rất nhiều ưu điểm khác, nhưng mình chỉ chọn một số vấn đề để chia sẻ ở đây, số còn lại để các bạn còn khám phá khi bước vào trường nữa. Với những đặc điểm như trên, nếu bạn hỏi mình rằng: “Có nên học luật ở Đại học Luật Hà Nội không?”, mình nhất định sẽ vote một phiếu “Có” cho trường mình.

Tất nhiên, bên cạnh những ưu điểm như thế, ở đây cũng có một số hạn chế riêng và mình không hề phủ nhận điều đó.

Chẳng hạn như xét ở mặt bằng chung, sinh viên của Đại học học Luật Hà Nội ra trường chưa có vốn ngoại ngữ tốt, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao.

Thế nhưng, đó là những điều mà mình tin rằng, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể nỗ lực cải thiện ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Bạn có thể đọc thêm một số bài viết về học tiếng anh và học tiếng anh pháp lý của mình ở blog này nhé.

*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết của Tôi học nghề luật.

One Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *