
Làm gì trong bốn năm đại học?
Đừng nhìn trường đại học như một nơi để thực hiện nghĩa vụ, một điều gì đó bắt buộc phải làm để vừa lòng bố mẹ hay ai khác, cũng đừng nhìn điểm số như thứ gì đó giới hạn năng lực của bạn. Hãy nhìn trường đại học như là nơi giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu của mình, nơi mà bạn có thể trả một cái giá rẻ hơn cho kiến thức của mình, cho những kinh nghiệm và những mối quan hệ khởi nguồn sự nghiệp của bạn. (Thực sự, rẻ hơn nhiều so với những tổn thất, mất mát và sai lầm ngoài xã hội).
Khi nhìn theo cách đó, bạn sẽ biết mình cần làm gì trong 4 năm ở trường đại học. Bài viết này không phải là những điều mình đã làm được, mà là những điều mình ngộ ra khi 4 năm đại học đã qua đi mất rồi, khi mình đã lăn xả vào cuộc đời và chẳng còn cái giá rẻ nào nữa.
Học một cách thật tâm và học vì mình cần, mình muốn
Ở góc độ học hành (kiến thức chuyên môn), đại đa số khi vào đại học thường rơi vào 4 nhóm sau: (i) chăm chỉ đi học, chăm chỉ chép bài, như khi còn là học sinh cấp 3, cấp 2, chăm chỉ như một bản năng vì đã được rèn giũa bởi kiểu giáo dục truyền thống từ nhỏ; (ii) không học hành gì, chơi bời vì thoát khỏi những “nội quy gia đình” và tự do như chưa bao giờ được tự do; (iii) làng nhàng, học nửa vừa, chơi nửa vời và làm mọi thứ nửa vời; (iv) có định hướng rõ ràng và mục tiêu xác định, biết cần làm gì, học gì và sắp xếp mọi thứ sao cho nó hướng đến mục tiêu của mình (nhóm này hiếm, hiếm vô cùng).
Bạn có thể nhìn cuộc đời như một đứa học sinh cấp ba, kiểu cứ chăm chỉ đến lớp, chép bài, ôn thi, các kiểu tương tự… Bạn cũng có thể nhìn cuộc đời theo cách của một đứa làng nhàng, đi học như người ta, đi thi như người ta, ra trường có một công việc ổn định như người ta… Điều đó chẳng có gì sai cả, bởi chẳng ai quy định sống như thế nào mới là đúng, và luật đời thì phong phú, linh hoạt và áp dụng khác với luật pháp rất nhiều. Tất nhiên, đi kèm với đó “chế tài” cũng phong phú hơn. Chẳng ai bỏ tù những người lười biếng, cũng chẳng ai xử phạt vi phạm hành chính những người chăm chỉ một cách mù quáng, cũng không ai bị thiệt hại bởi sự làng nhàng và an phận của bạn ngoài chính bản thân bạn.
Điều đáng nói là bạn sẽ không nhìn thấy “chế tài” của bạn khi nó đang được cuộc đời áp dụng lên chính bạn, không như những chế tài pháp lý mà bạn thường được học trên lý thuyết. Bạn chỉ nhìn ra điều đó khi kết thúc bốn năm đại học rồi chợt nhận ra sao mình chẳng có gì trong tay, chẳng có gì để làm hành trang bước vào thị trường lao động; khi đã đi làm hai ba năm và bạn cảm thấy sao mình hoang mang về con đường của mình đến vậy, sao mình lại chọn nghề này; khi năm mười năm nữa bạn bỗng nhiên thấy cuộc đời của mình sao thật lộn xộn, không có kế hoạch và cũng chẳng làm được gì tới nơi tới chốn… Trong khi đó, nếu lỡ nhìn sang cuộc đời của ai khác, thấy một thế giới khác.., bạn dễ dàng nảy sinh những so sánh không đáng có.
Mình rất thích “3 idiots” và vẫn thi thoảng vẫn xem lại khi mình thiếu động lực. Nếu bạn biết “3 idiots”, bạn sẽ biết phong cách của Rancho luôn là học cơ khí như một đam mê và điểm số, thành tích của Rancho ở trường và cả những những thành công sau này tự đến từ niềm đam mê đó, chứ không phải từ việc chỉ cày cố để đạt được vị trí thứ nhất như Chatur.
Đó là “triết lý” mình thích nhất trong suốt bộ phim. Hãy học một cách thật tâm và nhiệt huyết, và học vì mình tự thấy mình cần những kiến thức đó, vì nó phục vụ cho mình chứ không phải vì mình phục vụ mong muốn của một ai hay một giá trị tạm bợ nào khác. Hãy học bằng sự yêu thích và hứng thú, mong muốn và khao khát của bản thân đi rồi điểm cao, thành tích top sẽ tự đến với bạn. Hãy tự làm mình giá trị đi, rồi nhà tuyển dụng và mức lương cao sẽ đến với bạn.
Tự học thêm những kiến thức, kỹ năng khác ngoài chuyên môn
Bất cứ cái gì ngoài chuyên môn mà bạn thích, hãy học và biến nó thành một điểm cộng cho chính mình. Chụp ảnh, photoshop, web design, digital marketing, vẽ tranh, chơi piano,… bất cứ thứ gì cũng được. Bạn sẽ không thấy nó mang lại giá trị ngay, nhưng đến một thời điểm nhất định, khi những dấu chấm được kết nối (connecting the dots), bạn sẽ nhìn thấy những điều đó thực sự hữu ích đối với mình.
Steve Jobs bỏ học ở trường Reed College sau 6 tháng đầu tiên và sau đó, ông theo học một khóa viết thư pháp. Tại thời điểm đó, khóa học này không có vẻ như sẽ được ứng dựng trong cuộc đời Steve Jobs. Thế nhưng 10 năm sau, khi ông và các cộng sự thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, những kiến thức ngày đó quay trở lại và được sử dụng vào thiết kế Mac. Và đó là lý do vì sao sau này chúng ta có những chiếc máy tính với rất nhiều font chữ đẹp.
Trong buổi lễ tốt nghiệp năm 2005 của trường Stanford, Steve Jobs đã kể câu chuyện này và nói rằng, đa số những gì ông tình cờ đi theo bằng sự tò mò và trực giác đã trở nên vô giá về sau.
“Much of what I stumbled into by following my curiosity and intuition turned out to be priceless later on”.
Chúng ta không thể kết nối những dấu chấm khi nhìn về tương lai, nhưng một thời điểm nào đó, khi nhìn lại quá khứ, ta sẽ thấy các dấu chấm thực sự được kết nối với nhau, một cách rất rõ ràng và hệ thống.
Cuối năm 2018, lúc đó mình vẫn còn làm ở công ty cũ, với kế hoạch luân chuyển nhân sự của công ty và mong muốn trải nghiệm môi trường làm việc mới ở một vùng đất mới, mình quyết định vào văn phòng Sài Gòn để làm việc. Nếu không có quyết định đó, mình không gặp gỡ được những con người mới, những cách tư duy mới mà mình được tiếp xúc ở Sài Gòn. Và nếu không có quyết định đó, mình cũng không gặp được sếp mình bây giờ – người đã chỉ bảo cho mình rất nhiều trong việc định hướng, tự học, tự nghiên cứu, và trong câu chuyện hành nghề, phát triển nghề nghiệp. Sự gặp gỡ đó dẫn đến công việc của mình hiện tại, dẫn đến việc mình tìm hiểu thêm về phát triển kinh doanh, digital marketing và biết thêm một chút về web design, nhờ đó mà có blog và những dòng viết này. Mình chưa có cái gọi là 5 năm, 10 năm để nói về những kết nối lớn lao hơn, nhưng khi nhìn lại, mình thấy biết ơn những dấu chấm trong cuộc đời mình, để có mình như ngày hôm nay.
Nếu như bạn có một sở thích, một sự quan tâm riêng ngoài chuyên môn nghề nghiệp, hãy cứ theo đuổi và nuôi dưỡng điều đó bằng những hành động cụ thể. Có thể điều đó rồi sẽ bổ trợ cho công việc của bạn, hoặc cũng có thể không, nhưng nó có khả năng khiến bạn trở thành một người “đa tiềm năng” (multipotentialite) – kiểu người mà mình luôn thấy rất hấp dẫn và thú vị.
“Lăn xả” trên mặt trận thực tế
Rõ ràng, sẽ chẳng ai tạo ra giá trị nếu những kiến thức và kỹ năng chỉ nằm trên giấy, trong khi giá trị mới là thứ cốt lõi mang lại doanh số cho công ty, mang lại thu nhập cho cá nhân. Bởi vậy, việc tiếp cận và trải nghiệm thực tế là điều cần thiết, để khi “đi sale mặt hàng khả năng lao động” của mình, bạn “có giá” hơn.
Có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm mà sinh viên luật nên đi thực tập, nhưng theo mình, năm 3 là khoảng thời gian phù hợp. Năm 3 là thời điểm bạn đã có được các kiến thức nền tảng cơ bản, đã học được một số môn chuyên ngành, và tư duy pháp lý bắt đầu được hình thành. Đây cũng là thời điểm mà việc học ở trường không còn quá nặng nề và khó nhằn như năm nhất, khi mọi thứ đã vào guồng và bạn có thể quản lý, cân đối được thời gian. Đây có lẽ cũng là lúc mà những suy nghĩ và hành động của bạn đã có phần chín chẳn hơn một chút, để đối diện với những thử thách và nhiều tình huống khác nhau trong xã hội việc làm.
Tất nhiên, có nhiều quan điểm sẽ cho rằng sinh viên nên đi thực tập càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng nếu như bạn chưa có nền tảng mà đã vội lao vào thực tế thì rất dễ để bị thực tế cuốn đi theo luồng tư duy định sẵn và hoặc những lối mòn của nó. Mình không đánh đồng tất cả bởi ở đâu cũng có người này người kia, và đó mới là cách mà xã hội này vận hành. Nhưng thực trạng về việc để mình bị “thực tế” lôi đi và quay lại đổ lỗi cho cuộc đời, cho cơ chế, cho hàng tá thứ abcxyz khác là có thật, và tồn tại rất nhiều.
Xây dựng các mối quan hệ trong thời gian học đại học
Mình không phải là người quảng giao, cũng không có nhiều mối quan hệ và chỉ ý thức được việc xây dựng mối quan hệ khi mình đã bước ra khỏi giảng đường đại học. Quả thực, các mối quan hệ là chìa khóa để giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Thời gian học đại học, mình may mắn quen và chơi với một số thầy cô giáo, như cách mình quen những người bạn của mình. Khi mình ra trường, đó là những người anh, người chị tư vấn cho mình mỗi khi mình gặp vấn đề trong cuộc sống, giới thiệu cho mình một số công việc khi mình cần, và đôi khi, lắng nghe mình khi mình muốn.
Thời gian ở Sài Gòn, mình có một số vụ việc cần xử lý Hà Nội. Chính những người bạn mà mình quen trong những năm tháng đại học đã giúp đỡ mình, có thể bằng việc giải đáp một số thắc mắc, giúp mình tìm hiểu một số vấn đề thực tế trong cách làm việc ngoài đó, hoặc trực tiếp cộng tác và kết hợp xử lý công việc.
Khi đi làm, mình đối diện với nhiều tình huống khác nhau, cần hỏi han hoặc kết nối và làm việc với những người thuộc các ngành nghề khác như ngân hàng, kế toán,… và những điều đó được giải quyết dễ dàng hơn nhờ những mối quan hệ với những người trong ngành, hoặc những người quen biết họ.
Mình nghĩ rằng, việc thiết lập, xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ cũng là một kỹ năng đáng để sinh viên nói chung và sinh viên luật nói riêng lưu tâm đến. Và kỹ năng này, sẽ giúp bạn thành công hơn trên hành trình theo đuổi bất kỳ công việc nào cũng như thoải mái hơn khi đến bất kỳ môi trường làm việc nào.
Học cách quản lý tài chính cá nhân
Thật lòng, khi còn là sinh viên mình chẳng để ý cái này đâu, kể cả thời gian mới ra đi làm cũng thế. Chỉ sau này, khi bắt đầu sống có trách nhiệm với cuộc đời mình hơn, mình mới tìm hiểu về tài chính cá nhân (dù chưa được nhiều cho lắm :< ).
Mình nghĩ rằng, tài chính là một trụ cột quan trọng trong cuộc đời, mà bản thân cần tìm hiểu, và quản lý tốt tài chính thì cuộc đời mới có thể tốt hơn. Để đạt được “tự do tài chính”, làm việc và nỗ lực kiếm tiền là chưa đủ, còn cần biết quản lý và sử dụng những đồng tiền mình kiếm ra nữa. Nhưng sinh viên luật thì chẳng được dạy về điều này bao giờ, mình cũng không ý thức được và chủ động tìm hiểu ngay từ khi còn là sinh viên, nên sau này có một khoảng thời gian sau ra trường mình chới với trong việc xử lý thu nhập.
Quản lý tài chính cá nhân cũng không phải cái gì lớn lao lắm đâu, chỉ là bạn học cách sử dụng sao với số tiền bố mẹ cho hàng tháng, số tiền làm thêm hay những khoản học bổng mà mình kiếm được, bắt đầu với những điều nhỏ nhoi như phân bổ làm sao cho bên cạnh khoản chi tiêu dùng hằng ngày, bản thân cũng có một khoản tiết kiệm (ít thôi cũng được) cho những mục đích xa hơn…
Cách tư duy, suy nghĩ về tài chính, xử lý các khoản thu, chi sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của bạn, thậm chí, của cả gia đình bạn sau này (khi bạn có gia đình riêng của mình). Mà một điều quan trọng như vậy, vì sao ta lại không bắt đầu quan tâm từ sớm nhỉ?

