Đọc luật thế nào cho hiệu quả
Blog,  Dành cho dân luật,  Sinh viên luật

Đọc luật thế nào cho hiệu quả?

Trong suốt thời gian mình đi học lẫn đi làm, có nhiều bạn tâm sự với mình rằng đã đọc luật này luật kia hai, ba lần mà vẫn không nhớ được – khi ở lớp trao đổi đến vấn đề đó thì trông như chưa từng đọc qua hoặc khi xử lý công việc liên quan đến vấn đề đó không biết, não bộ truy xuất được dữ liệu để xử lý.

Mình ít khi gặp trường hợp đó, miễn đó là văn bản luật mình đã từng đọc qua. Đó là lý do mình viết bài này để chia sẻ cách đọc luật của mình, nếu chưa tìm được phương pháp nào phù hợp, bạn có thể thử áp dụng xem sao nhé.

Ai nên đọc luật?

Mình muốn bắt đầu với câu hỏi này, vì có rất nhiều bạn nghĩ rằng, việc đọc luật –  một cách nghiêm túc và tử tế, không phải để xử lý với vấn đề nhất thời – chỉ dành cho sinh viên.

Mình không cho rằng đó là cách nghĩ đúng, nếu muốn đi đường dài với nghề luật.

Mình sâu sắc hiểu rằng, việc học nghề, làm nghề, thành thạo và xuất sắc trong nghề cần một quá trình dài bền bỉ nỗ lực, kiên trì cố gắng và không một giải pháp nhất thời, tạm bợ nào có thể mang lại thành công thực sự. Thế nên mình muốn các bạn thống nhất với mình, bỏ qua tâm lý “mì ăn liền” ngay từ đầu.

Dù bạn là sinh viên luật, nhân viên công ty luật, luật sư, chuyên viên pháp chế,… đều nên đọc luật. Nếu là sinh viên, đừng để đến kỳ thì rồi mới đọc, nhồi nhét và cố nhớ cho đến khi ra khỏi phòng vấn đáp. Nếu là nhân viên, đừng để đến khi được giao việc rồi mới mò mẫm tìm xem vấn đề của khách hàng được quy định ở đâu, luật nói như thế nào về nó.

Tin mình đi, một lần đọc nghiêm túc và đúng phương pháp, tất cả những lần gặp vấn đề liên quan đều trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Có thể bạn quan tâm: TẶNG BỘ CV VÀ COVER LETTER DÀNH CHO SINH VIÊN LUẬT

Nguyên nhân của việc đọc luật không hiệu quả?

Để dễ hiểu hơn, mình tạm giải nghĩa là đọc nhưng không truy xuất được dữ liệu khi cần hoặc đọc nhưng không áp dụng được.

Đọc nhưng không truy xuất được dữ liệu khi cần, thường do có đọc nhưng không tiếp nhận được thông tin đó vào não bộ.

Điều này thường xuất phát từ nguyên nhân khi đọc không tập trung, hoặc như nhiều bạn hay nói – cứ cầm luật lên là buồn ngủ.

Nhưng kể cả khi bạn đã tập trung, nếu bạn chỉ đọc chay – cứ thế cầm quyển luật và cứ thế đọc từ đầu đến cuối – việc không tiếp nhận được các thông tin là điều hết sức bình thường.

Mình cho rằng điều này đáng sợ hơn và nó là nguyên nhân chính yếu khiến nhiều bạn dù đã cố gắng nhưng không thể “dung nạp” được các quy định pháp lý.

Thế nên trong phương pháp mà mình chuẩn bị giới thiệu dưới đây, mình chủ yếu hướng đến giải quyết vấn đề này.

Đọc nhưng không áp dụng được

Là có thông tin nhưng lại không sử dụng được nó, do không hiểu thông tin mình có, hoặc chỉ biết được về mặt câu chữ. Thật khó để ta áp dụng được điều gì đó, nếu như ta không hiểu được nó. Mình hi vọng rằng, những nội dung dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề này.

Giải pháp nào cho việc đọc luật?

Như mình đã nói ở trên, đây không phải một giải pháp mang tính “mì ăn liền”, mà là phương pháp giúp bạn cải thiện vấn đề đọc luật, hiểu luật để áp dụng luật nhằm đi dường dài với nghề. Nên mình mong các bạn hãy thật kiên nhẫn, khi đọc hay khi áp dụng nó.

Điều nó đòi hỏi ở bạn chỉ là thời gian và sự kiên nhẫn, điều nó mang lại thì rất nhiều, không chỉ là việc trở ưu tú trong quá trình học tập, điểm cao trong kỳ thi – như nhiều bạn hằng mong muốn, mà còn là background vững chắc để bạn xây dựng chuyên môn và tiếp thu các kinh nghiệm thực tế, phát triển và tiến xa hơn trong nghề luật bằng cách nắm vững gốc rễ.

Phương pháp đọc luật mà mình nói đến ở đây, gồm bốn bước:

Bước 1: Đọc lướt toàn bộ văn bản luật

Đầu tiên, hãy lướt qua nó, để làm quen sơ bộ với cuốn luật mà bạn sắp đọc.

Xem thông tin về văn bản

Hãy để ý các thông tin như: tên của văn bản luật, ngày ban hành, ngày có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Việc kiểm tra ngày có hiệu lực là điều tối quan trọng, để bạn đảm bảo rằng, văn bản mình đang đọc đang có hiệu lực ở thời điểm hiện tại, để bạn áp dụng đúng luật, đúng thời điểm.

Tương tự, bạn cũng cần xem phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, để đảm bảo áp dụng luật đúng đối tượng. Đã có không ít lần mình cặm cụi tìm hiểu quy định cụ thể để giải quyết vấn đề, sau đó khi nhìn lên phần phạm vi điều chỉnh mới giật mình nhận ra rằng văn bản đó không áp dụng hoặc không bắt buộc áp dụng cho trường hợp của mình.

Ví dụ như khi mình tìm hiểu về hợp đồng thi công xây dựng để rà soát hợp đồng cho khách hàng, sau khi đọc chán chê các quy định cụ thể rồi mới nhớ ra kiểm tra phạm vi điều chỉnh, khi đó, mình phát hiện ra Thông tư mình đang đọc (Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình) chỉ bắt buộc áp dụng đối với các dự án của cơ quan, tổ chức nhà nước, dự án có vốn nhà nước từ 30% trở lên,…

Bởi vậy, việc tìm hiểu kỹ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ngay từ đầu là cực kỳ cần thiết và sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian về sau.

Xem mục lục

Tiếp đó, hãy xem phần mục lục để bạn có thể hình dung được cấu trúc của văn bản luật đó ra sao, bao gồm bao nhiêu chương, mỗi chương nói về vấn đề gì… Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt được tổng quát văn bản luật mà bạn đang đọc, và dễ dàng tìm nhanh một quy định nào đó khi xử lý các vấn đề liên quan.

Chẳng hạn, khi đọc Luật Doanh nghiệp (2014), hãy nhìn qua phần mục lục và nắm bắt sơ bộ cách sắp xếp các nhóm quy định của Luật Doanh nghiệp: đầu tiên, luôn là phần quy định chung như các văn bản luật khác, kế đến là chương thành lập doanh nghiệp, sau đó lần lượt đi vào từng loại hình doanh nghiệp theo thứ tự công ty trách nhiệm hữu hạn, (đến chương về doanh nghiệp nhà nước), công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, rồi đến nhóm công ty, sau đó là các quy định về tổ chức lại, giải thể, phá sản và cuối cùng là phần tổ chức thực hiện.

Bạn không cần phải thuộc hay cố nhớ, chỉ cần nắm bắt sơ bộ cấu trúc, sau này mỗi truy vấn hay tìm kiếm đều trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đọc nhanh

Sau đó, hãy đọc lướt toàn bộ văn bản luật ấy. Về việc đọc nhanh, đọc lướt, đọc siêu tốc, chỉ cần search google đã hiện ra hàng triệu kết quả và phương pháp, nên mình sẽ không bàn thêm ở đây.

Bước 2: Đọc kỹ và đặt các câu hỏi chi tiết hóa/câu hỏi phản biện

Đọc kỹ từng điều

Đây là một trong những phần quan trọng quyết định đến việc hiểu kỹ và nhớ luật một cách tự nhiên mà không cần cố ghi nhớ về mặt câu chữ. Sau khi đọc lướt xong một lượt, bạn hãy quay lại từ đầu, và đọc kỹ từng điều luật.

Tất nhiên, việc này đòi hỏi nhiều thời gian, bạn không thể chỉ làm nó trong một buổi hay cố ép mình làm nó trong một ngày. Rất dễ chán, nản hoặc vượt “ngưỡng tiếp nhận” và não bạn trở nên “bội thực”. Hãy tìm cách chia nhỏ nó ra, ví dụ, nếu bạn đang là sinh viên có thể chia ra đọc theo từng chủ đề bài học, và hãy đọc trước khi có buổi học về chủ đề đó.

Đặt các câu hỏi tại sao hoặc các câu hỏi cụ thể hóa một nội dung mà bạn chưa rõ

Điều này không hề khó, nhưng lại không nhiều người làm được, đặc biệt là các bạn sinh viên những năm đầu, khi tư duy pháp lý và tư duy phản biện còn chưa hình thành.

Việc đặt ra các câu hỏi chính là thao tác về mặt tư duy nhằm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng điều luật mà bạn đang đọc và điều này bạn làm càng kỹ thì sẽ càng khắc sâu vào não bộ điều luật đó, giúp bạn nhớ lâu và sâu hơn mà không cần phải cố học thuộc.

Ví dụ đơn giản như thế này, khi bạn đọc quy định về doanh nghiệp tư nhân, sẽ có một hạn chế đối với chủ doanh nghiệp tư nhân là chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân và không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh. Bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “tại sao lại như vậy?”, “tại sao lại có hạn chế đó với chủ doanh nghiệp tư nhân mà không hạn chế với chủ các công ty khác?”. Để lý giải vấn đề đó, bạn bắt đầu tìm hiểu về các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, vấn đề “chịu trách nhiệm vô hạn”,… rồi bạn hiểu ra rằng, đối với doanh nghiệp tư nhân, tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ doanh nghiệp không có sự tách bạch, mà một khối tài sản không thể chịu trách nhiệm vô hạn hai lần,…

Hoặc khi bạn đọc quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp 2014. Với cách đọc thông thường, bạn sẽ nhìn thấy, phạm vi điều chỉnh của luật này là việc thành lập, tổ chức quản lý, giải thể… đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và nhóm công ty. Nhưng nếu đào sâu hơn một bước nữa, bạn sẽ tự hỏi, vậy cô bán trà đá trước cổng trường thì sao, luật nào điều chỉnh? Hay luật pháp chỉ điều chỉnh những chủ thể “lớn” như doanh nghiệp chứ không quan tâm đến các cá nhân nhỏ lẻ? Rồi việc tìm hiểu thêm theo những câu hỏi sẽ giúp bạn nhận ra rằng các cá nhân hoạt động kinh doanh như thế được điều chỉnh bởi một văn bản khác, là Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Tất cả những điều đó chính là thao tác tư duy mà mình nói đến ở trên. Nó giúp bạn đào sâu và nghiên cứu kỹ một quy định, từ đó hiểu rõ quy định đó, và kiến thức sẽ tự đi vào đầu bạn mà không cần phải khổ sở học thuộc.

Tất nhiên, việc này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn luyện tập. Nó thử thách bạn hơn nhiều so với việc “đọc chay”, chỉ mở văn bản luật ra và đọc từ đầu đến cuối. Nhưng tin mình đi, thành quả mà nó mang lại sẽ là cái lâu dài bền vững, xứng đáng để bạn bỏ công sức ra.

Ví dụ như, khi bạn bè của bạn cày cố học thuộc, thức đêm đọc luật để thi vấn đáp, bạn có thể ung dung và thư thả xem lại những cái mình đã học, rồi tự tin đến phòng thi.

Ví dụ như, khi xử lý một vấn đề trong công việc, đồng nghiệp của bạn phải mò mẫm đọc lại xem vấn đề đó được quy định ở đâu, thì bạn đã có thể nhanh chóng khoanh vùng quy định pháp luật, định hình phương án xử lý.

Mọi sự nỗ lực đều sẽ có giá của nó.

Kể cả nỗ lực nhỏ nhất, như việc đọc luật.

Chỉ với hai bước 1 và 2 nêu trên, nếu bạn thực hành đều đặn và cẩn thận, mình tin rằng, bạn đã ưu tú hơn rất nhiều người đồng trang lứa hoặc trên dưới bạn một vài tuổi.

Hai bước 3 và 4 sau đây sẽ giúp bạn nhìn vấn đề ở những góc độ khác hơn, để bạn không chỉ hiểu sâu, mà còn hiểu toàn diện về nó. Mình đảm bảo, chỉ cần bạn thực hiện một cách nghiêm túc và kiên trì, nó sẽ giúp bạn “nằm vùng” đối với lĩnh vực luật mà bạn muốn nghiên cứu.

Bước 3: Lập sơ đồ tư duy bằng các câu hỏi

Đi ngược lại vấn đề

Nếu như bước hai là đọc luật rồi đặt ra các câu hỏi thì bước này là ngược lại, đặt ra các câu hỏi rồi mới dùng đến luật để trả lời.

Nó giống như nhìn vấn đề ở góc đối lập vậy.

Ví dụ, khi đọc luật bạn sẽ thấy “doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”, doanh nghiệp bao gồm các loại hình: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, và doanh nghiệp tư nhân.

Ở bước này, bạn sẽ tiếp cận từ việc đặt ra câu hỏi: doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp bao gồm những loại hình nào?

Và hãy ghi lại như câu hỏi đó bằng sơ đồ tư duy để kiến thức được hệ thống, dễ nhớ và dễ hiểu hơn.

Công cụ vẽ sơ đồ tư duy (mindmap)

Bạn có thể vẽ bằng tay trên giấy A4 – mình đã từng dùng cách này khi học cấp 3. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều công cụ hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy – các trang web và các phần mềm chẳng hạn như Draw.io, Mindmup, Draw Express Diagram Lite, Simple Mind, Mindmeister…

Bước 4: Hệ thống hóa các văn bản luật

Sau khi đã hoàn thành xong tất cả những nội dung trên, có thể bạn đã “nhớ vach vách” và hiểu rất rõ các quy định pháp luật mà bạn đọc rồi. Tuy nhiên, sự tồn tại của bước này giúp bạn hiểu vấn đề một cách có hệ thống và toàn diện hơn.

Kỹ năng hệ thống hóa kiến thức là một trong những điều mà mình thấy đa số các bạn sinh viên đều thiếu. Kể cả mình khi còn là sinh viên cũng thế.

Nếu như bạn đọc Luật Doanh nghiệp, và bạn biết nó là luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến các loại hình doanh nghiệp với các quy định abc, xyz… – điều đó đúng, nhưng chưa đủ.

Hãy như vấn đề một cách rộng hơn, chẳng hạn như doanh nghiệp là một chủ thể trong nền kinh tế – luật doanh nghiệp điều chỉnh chủ yếu đối với chủ thể này, nhưng chủ thể này còn có rất nhiều hoạt động và nghĩa vụ được điều chỉnh bởi các luật khác: như việc tuyển dụng và thuê người lao động làm việc (luật lao động), vấn đề kế toán và lưu giữ sổ sách (luật kế toán), vấn đề thuế (các luật thuế),….

Đối với bước này, mình thường lập bảng với các cột theo từng cấp độ để tiện theo dõi. Hoặc bạn có thể lập sơ đồ tư duy cũng được nhé.

Xem thêm: Hệ thống văn bản pháp luật

Thường xuyên đọc lại và cập nhật tin tức liên quan

Cuối cùng, sau khi đã trải qua hết các bước và cảm thấy mình đã lên một level mới, bạn đừng quên việc thi thoảng mang luật ra đọc lại. Biết đâu khi đọc, bạn sẽ phát hiện ra một số vấn đề hay ho mà lần trước chưa phát hiện ra được.

Và cũng đừng quên việc cập nhật thường xuyên tin tức liên quan đến lĩnh vực luật đó nhé, nhất là khi diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Bởi luật pháp không phải là điều gì cứng nhắc và cố định, mà nó được thay đổi, cập nhật để phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội theo từng thời kỳ.

Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài chia sẻ này, và nếu thấy phương pháp của mình hữu ích, đừng ngần ngại thử và hãy kiên trì, bạn sẽ thấy kết quả rất xứng đáng!

Nếu bạn có các phương pháp đọc luật nào hay ho, hãy để lại comment ở đây để mình và các bạn khác cùng tham khảo nhé.

*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết.

18 Comments

  • Hảo

    Em chào chị ~

    Em cũng không biết bắt đầu như thế nào, nhưng lí do em biết đến blog của chị có lẽ là do em đang làm bài tập chứng khoán và tìm hệ thống văn bản pháp luật và tình cờ đã dắt em đến blog chị
    Và thú thật em phải cảm tạ điều đó rất nhiều, vì nhờ sự tình cờ ấy mà em đã học được rất nhiều từ chị 🙁

    Em cảm ơn chị lắm luôn. Với một đứa đang chơi vơi ở cái ngưỡng tuổi 21 này thật sự rất cần những bài blog của chị. Chị đã giúp em yêu cái ngành luật này hơn. Thật sự luôn, em cảm thấy nó đã trở nên dễ dàng và không khó nhằn như lúc trước nữa. Những bài của chị viết ra thật sự như phao cứu sinh của em luôn ấy :(((((

    Em viết chỉ vì muốn cảm ơn chị rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ những gì mà nhà trường không giảng dạy ạ :((

    From cô bé Hà Nội vì cái cơ duyên mà chạy vào Sài Gòn học Luật <3

    • vuhoaian

      Cảm ơn em nhiều. Blog chị mới làm nên chưa có nhiều nội dung, nhưng chị rất vui vì nó có thể giúp ích cho em.
      Btw, chị cũng là cô gái chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn làm luật ^^

  • Nhat XD

    Thật sự ngại đọc luật , nghị định này nọ
    Mình không hiểu vì sao mấy người viết luật họ không viết cho dễ hiểu mà lại viết theo cái kiểu đọc nửa hiểu nửa không, đọc luật này phải đi tra luật khác, dài đằng đẵng ấy. Mỗi lần công việc cần phải tra luật nó y như một kiểu tra tấn, tìm lòi cả mắt mới thấy chỗ mình cần, xong đọc thì chả hiểu nổi họ muốn nói gì tròn đó.

    • Tôi học nghề luật

      Cảm ơn bạn. Năm nay luật thay đổi nhiều quá mình chưa kịp update lại các danh sách ^^

  • pdtt

    Cảm ơn chia sẻ của chị.

    P/s: hôm nay em tình cờ biết đến blog của chị khi đang tìm kiếm thông tin về việc tự học TAPL. Mấy nay em cũng đang tập tành làm blog, blog trong tưởng tượng của em sẽ kiểu kiểu như blog này :3 Hi vọng trong tương lai em cũng có thể chia sẻ những điều bổ ích như này.

    • Tôi học nghề luật

      Cảm ơn em nhé. Chị vừa ghé thăm blog của em, hi vọng em sẽ sớm phát triển nó và có thêm nhiều bài viết mới 😀

  • Mia

    Cho em hỏi là khi đọc tài liệu mình nên đọc luôn thông tư hay mình sẽ đọc từ luật xuống thông tư ạ? Em hiện đọc luôn thông tư hướng dẫn ạ.

    • Tôi học nghề luật

      Với chị thì tùy vào hoàn cảnh em ạ. Nếu cần để xử lý việc gì gấp mà Thông tư giải quyết ngay vấn đề đó thì chị sẽ đọc từ Thông tư luôn, sau đó có thời gian thì dò lại Luật, Nghị định xem có thêm vấn đề nào ko. Còn nếu có thời gian findings đầy đủ thì chị sẽ đọc từ Luật xuống.

  • taotau612

    Em chào chị ạ, em vô tình biết tới page của chị trong lúc loay hoay đi tìm hiểu về cách học luật sao cho hiệu quả, vì thú thật em đang thấy mình mông lung quá. Thực sự em cảm ơn chị rất nhiều vì đã chia sẻ những kinh nghiệm trên ạ. Ngoài ra em muốn hỏi chị về việc chị sử dụng và học với giáo trình bằng cách nào ạ. Vì không hiểu sao em cứ thấy giáo trình kiểu cũng có liên quan đến việc học luật của mình nhưng lại chưa biết nên dùng nó như nào cho phù hợp ạ. Mong được chị giải đáp, em cảm ơn chị nhiều

    • Tôi học nghề luật

      Hi em,
      Ở mức độ cơ bản thì chỉ cần nghiên cứu luật kết hợp với nghe giảng, ghi chép là em đã có thể nắm được các nội dung cần thiết. Tuy nhiên, để hiểu sâu và có nền tảng lý luận tốt thì cần thêm giáo trình, các sách chuyên khảo và tài liệu tương tự.
      Do đặc thù đào tạo ở các trường ĐH Luật thiên về định hướng nghiên cứu, nên ở giáo trình em sẽ tìm thấy các học thuyết, quan điểm… và các vấn đề nền tảng để từ đó dẫn đến các quy định, chế định pháp luật thực định.
      Như ở ĐH Luật Hà Nội sẽ có đề cương môn học trong đó nêu rõ các nội dung cần nắm được, các tài liệu và chương/phần liên quan trong mỗi tài liệu đối với nội dung đó. Em có thể kết hợp nghiên cứu luật và phần giáo trình liên quan trước mỗi bài học, ghi chú hoặc highlight các nội dung chính, đặt câu hỏi đối với các vấn đề mình chưa hiểu. Khi lên lớp nghe thầy cô giảng thì vừa tiếp thu vừa soi chiếu lại các vấn đề mình đã note/ mình có thắc mắc một lần nữa. Sau giờ học tiếp tục xem lại các nội dung trong giáo trình (có thể theo bố cục bài giảng ở lớp chẳng hạn), nghiên cứu thêm các nội dung trong sách chuyên khảo, các bài viết trên Tạp chí luật học, tạp chí nghề luật..v…v… Trong quá trình nghiên cứu thì liên tục đặt các câu hỏi phản biện, như vậy sẽ giúp em hiểu kỹ và nhớ lâu hơn.

      • taotau612

        Dạ chị ơi, nay khi ngồi lại em thấy mình có thêm câu hỏi này ạ, vì em mới học năm nhất có nhiều chỗ hỏi ngu ngơ chị thông cảm cho em nha.
        Em thắc mắc là những ý hay kiến thức trong giáo trình luật mình có cần học thuộc hông ạ ? vì khi nhìn đề thi năm trước em thấy hầu như dùng luật để trả lời, kiến thức trong giáo trình em không biết ngoài ý nghĩa để hiểu sâu thêm thì đi thi có cần học để đi thi hông ạ. Cảm ơn chị nhiều lắm ạ

        • Tôi học nghề luật

          Luật hay giáo trình thì đều ko cần học thuộc mà cần học hiểu em nha 🙂 Khi em hiểu và nắm được các kiến thức đó thì cách em ôn tập và trả lời các câu hỏi thi cũng sẽ khác hơn 🙂

  • lnna

    Em chào chị ạ, cảm ơn chị vì bài viết bổ ích này ☺️. Em muốn hỏi thêm về cách chị dùng giáo trình để học tập ạ, vì kiểu em thấy giáo trình luật cũng quan trọng nhưng đi thi hình như lại không hỏi đến kiến thức trong nó nên em muốn nghe chia sẻ từ chị ạ ☺️

      • LNNA

        Dạ vâng em cảm ơn chị nhiều lắm ạ. Em với cmt ở trên là 1 người đó ạ, tại em cmt mà thấy hông hiện nên tưởng chưa cmt được 😂

  • Linh Linh

    Em chào chị, trong quá trình học em thấy phải đọc khá nhiều bản án. Nhưng em đọc thì thấy khá chán vì dài và nhiều tình tiết. Không biết chị có thể chia sẻ thêm về cách đọc bản án hiệu quả và tóm tắt như thế nào không ạ? Em cảm ơn chị!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *