Blog,  Dành cho dân luật,  Sinh viên luật

Dành cho sinh viên Đại học Luật Hà Nội – Một số cách để biết lịch giảng của thầy cô

Như mình đã trao đổi ở bài “Học Luật ở Đại học Luật Hà Nội – nên hay không nên?, việc học ở Đại học Luật Hà Nội có một đặc thù là không cố định giảng viên theo lớp đối với mỗi môn học, mà thay đổi giảng viên theo từng buổi học. Nhờ vậy, sinh viên của trường có có cơ hội được tiếp xúc với nhiều quan điểm, nhiều cách tiếp cận khác nhau trong một môn học.

Bởi đặc điểm này, nên khi là sinh viên của Đại học Luật Hà Nội, bạn còn có thể đi nghe giảng cùng một bài nhưng của các thầy cô khác nhau, ở các lớp khác nhau. Thời chúng mình vẫn hay gọi vui là “đi học ké”, thậm chí, cả “đi thảo luận ké” vào giờ học thảo luận.

Để biết được các giờ giảng trong tuần của một môn nhất định, hoặc của một, một số thầy cô nhất định, bạn cần có trong thay thứ quyền lực gọi là “lịch giảng”.

Lịch giảng của bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật

Lợi ích của việc biết được lịch giảng của thầy cô

Có nhiều điều thú vị bạn sẽ có được khi có lịch giảng trong tay, những điều rất khác với khi học ở trường THPT.

Đầu tiên, bạn có thể đi nghe bài giảng ở lớp khác. Cái này rất hữu ích khi bạn có việc gì đó không thể đi học vào giờ học của lớp mình chẳng hạn.

Bạn có thể xem trên lịch giảng còn những giờ giảng nào cho bài học mình đã bỏ lỡ, lựa chọn thời gian phù hợp rồi chỉ việc đến lớp học thôi. Thông thường, lớp lý thuyết rất đông (thường hơn 140 người) nên chả ai biết bạn phải hay không phải thành viên của lớp đâu ^^

Thứ nữa, bạn có thể đi nghe giờ giảng của thầy cô mà bạn thích học. Thường thì mỗi thầy cô sẽ có phong cách giảng bài khác nhau và không phải thầy, cô nào bạn cũng cảm thấy phù hợp. Nhất là thời điểm năm nhất, khi bạn mới vào trường và chưa quen với giảng đường đại học, chưa quen với cách học mới và phải làm bạn với các môn đại cương thần thánh như Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Hiến pháp, Triết học,…

Tình trạng nghe không hiểu gì, hoặc buồn ngủ, diễn ra thường xuyên tới mức bạn dần dà trở thành một con người khác – khác với cô/cậu học trò “con ngoan trò giỏi” ngày nào ở trường cấp ba. Việc có thể lựa chọn và theo học một thầy cô nào đó bạn yêu thích là một trong những cách thức khiến bạn cảm thấy hứng thú với môn học hơn và việc học trở nên đỡ nhàm chán hoặc bớt khó khăn hơn.

Hồi mới vào trường, mình cực kỳ thích học giờ Lý luận Nhà nước và Pháp luật của cô Thảo. Giờ học của cô chính là một trong những động lực vô cùng lớn khiến mình cảm thấy háo hức mỗi tuần mới, và cảm thấy có một lý do thực sự để bắt đầu yêu trường Đại học Luật Hà Nội J Suốt 15 tuần, mình không bỏ lỡ một bài giảng nào của cô, thậm chí, khi cô đổi lịch giảng vì có việc, còn lấy can đảm nhắn tin hỏi xem tuần này cô giảng bài ở lớp nào để được đi học.

Nếu bạn là người thích phong cách giảng bài theo kiểu nghiêm túc, rõ ràng, mạch lạc với tính logic cực cao, và khả năng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp bằng tư duy logic thì mình nghĩ là có thể bạn cũng sẽ rất mê các giờ giảng của cô – giống như mình ngày trước.

Một số cách để biết lịch giảng của thầy cô trường Đại học Luật Hà Nội

Lòng vòng nhiều quá vì cảm xúc ùa về khi nhắc đến những kỉ niệm từ rất lâu rồi ^^

Bây giờ quay lại vấn đề chính. Vậy làm thế nào để bạn có thể biết được lịch giảng của một giảng viên nào đó, hoặc của một bộ môn?

Mình tạm chia làm 3 cách như sau:

Hỏi trực tiếp thầy, cô

Cách này cực kỳ thuận tiện khi bạn vừa học xong giờ học nào đó, mà bạn cảm thấy thích phong cách của thầy, cô vừa giảng bài. Đừng chần chừ, bạn có thể lên bàn giảng viên nhẹ nhàng và lễ phép xin thầy cô đó lịch giảng để bạn có thể đi học ké vào những tuần tới. Đa phần các thầy cô đều rất sẵn lòng chia sẻ thông tin này.

Nhưng tất nhiên, không phải trường hợp nào thầy cô cũng mang lịch giảng theo, nên có thể bạn sẽ để lại email cho thầy, cô hoặc ghi lại địa chỉ email của thầy cô và về nhà gửi email cho thầy, cô đó về lịch giảng.

Gửi email cho thầy, cô

Một số thầy cô sẽ để lại email và số điện thoại khi giảng bài nhập môn hoặc khi đến lớp giảng một bài học nào đó. Bởi vậy, khi đi học giờ nhập môn ở tuần đầu, đừng chỉ chăm chăm nói chuyện và làm quen với bạn bè mới nhé, hãy để ý và ghi note lại một số thông tin mà có thể hữu ích về sau.

Lúc mình đi học giờ đầu tiên của môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, mình đã tranh thủ ghi lại email và số điện thoại của cô giáo (cô Thảo đó mà ^^). Sau khi học xong giờ lý thuyết của tuần 1 với một giảng viên khác và cảm thấy buồn ngủ đến mức gật gà gật gù trong lớp, mình đã “lấy hết can đảm” (lúc mới vào trường còn nhát ^^) gửi email xin lịch giảng của cô Thảo và sau đó cứ bám theo các lớp học của cô để nghe thôi.

Theo dõi hoặc inbox fanpage (facebook) của các bộ môn

Ảnh chụp từ fanpage Bộ môn Luật Tài chính Ngân hàng

Lúc mình còn đi học thì “phương thức” này chưa xuất hiện đâu. Ở thời điểm đó, fanpage bộ môn ở Đại học Luật Hà Nội vẫn còn là một điều gì lạ lẫm lắm.

Lúc đó chỉ có duy nhất fanpage của bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật (lại là Lý luận nhà nước và Pháp luật, hehe), nhưng cũng không hoạt động sôi nổi như bây giờ. Giờ thì khác rồi, rất nhiều bộ môn có fanpage riêng, thậm chí có những trang nội dung còn rất sáng tạo và hấp dẫn nữa (bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng là một minh chứng điển hình).

Sau này, mình để ý có những khóa các thầy cô đã đăng lịch giảng lên fanpage, bạn có thể theo dõi fanpage để được cập nhật khi có các bài đăng, hoặc có thể nhắn tin (inbox) vào hộp chat của fanpage để hỏi. Mình chưa thử cách này bao giờ, vì lúc mình đang học thì không có 😛 

Link fanpage một số bộ môn mà có thể bạn sẽ cần:

  • Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật: https://www.facebook.com/LLNNPL/
  • Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng: https://www.facebook.com/bomonluattaichinhnganhanghlu/ 
  • Bộ môn Luật Dân sự: https://www.facebook.com/toluatdansudhl/
  • Bộ môn Luật Hành chính: https://www.facebook.com/hanhchinhhlu/
  • Bộ môn Công pháp quốc tế: https://www.facebook.com/cpqthlu/ 

Và còn nhiều điều thú vị nữa ở Đại học Luật Hà Nội….

Những ngày đầu khi mới bắt đầu đi học, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái “vỡ mộng” bởi nhiều điều không như bạn từng nghĩ, từng tưởng tượng về trường, về cuộc sống khi học đại học. Đây là thời điểm dễ chán nản (với việc học) và dễ buông thả bản thân, nhất là khi bạn thường được các tiền bối hoặc các anh chị ở quê rót vào tai những câu như “lên đại học không cần phải học nhiều”, “học đại học nhàn lắm”,…

Nhưng đừng vội dễ dãi với chính mình để rồi sau này hối hận. Gần thì bạn sẽ đối mặt với những bài kiểm tra lẹt đẹt, khác xa với bạn lúc còn học phổ thông, với kỳ thi vấn đáp mà khi nó đến rồi bạn mới nhận ra mình chẳng có gì trong đầu và khối lượng kiến thức phải “học lại” (thay vì ôn thi theo đúng nghĩa) hóa ra lại khổng lồ như thế.

Xa hơn, có nhiều điều mà bạn có thể sẽ chẳng bao giờ nhận ra, rằng việc có một hàm lượng kiến thức lý luận với độ chắc chắn nhất định sẽ giúp bạn tư duy có chiều sâu và có nền tảng để xử lý các vấn đề đòi hỏi chất xám khi hành nghề.

Vậy nên, trong những ngày tháng đầu tiên, đừng vội chán nản hay bỏ cuộc, và hãy nhớ rằng, còn nhiều điều thú vị phía trước đang chờ đợi bạn…

Ví dụ như niềm vui khi bạn nhận được học bổng lần đầu tiên 🙂 

Ví dụ như lúc bạn thực sự thích một môn học nào đó, và cảm nhận được sự say mê khi bạn học các giờ học của môn đó. Như nhiều bạn cực thích hình sự với “cướp, giết, hiếp” chẳng hạn. 🙂 

Ví dụ như, khi bạn lỡ “phát cuồng” vì giờ học của một giảng viên nào đó chẳng hạn J Mình có đứa bạn từng mê giờ học của cô Long (môn Luật Dân sự) và đi học ké nhiều đến nỗi cô giáo thấy mặt nó là chỉ muốn “đuổi ra” :mrgreen: 

Ví dụ như, cảm giác khi bạn cùng lũ bạn cày bài tập nhóm hoặc thức đêm ôn thi, xong bước ra khỏi phòng vấn đáp thì thấy mình thật “bất tử” :mrgreen: 

….

Hoặc ví dụ như mình bây giờ, khi viết những dòng này, ngồi nghĩ lại những ngày tháng sinh viên và cảm thấy nhớ tha thiết 🙂 

Thật lòng cảm ơn Đại học Luật Hà Nội và những năm tháng thanh xuân ở đây, đẹp đẽ và đáng nhớ 🙂 

*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại các bài viết của Tôi học nghề luật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *