
Cách viết CV cho sinh viên luật
Xin chào. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn cách viết CV của mình – cách mà mình vẫn dùng từ lúc chưa ra trường cho tới bây giờ. Mình hi vọng bài viết này mang lại giá trị tham khảo hoặc nếu tốt hơn là giá trị áp dụng cho các bạn sinh viên luật đang tìm việc hoặc các bạn đã đi làm và đang có ý định nhảy việc trong thời gian tới.
I. Nguồn gốc
Tầm đâu đó lúc mình học năm 4, mình được một thầy giáo ở trường mình chia sẻ CV của thầy để tham khảo. Trước đó thầy du học ở Mỹ về, nên CV của thầy viết theo mẫu của tây, chủ yếu tập trung vào các nội dung chính, khá ngắn gọn và cô đọng. Từ lúc được nhìn thấy CV của thầy là mình đã rất thích rồi, phần vì cách trình bày súc tích, kiểu “đúng-trúng-đủ”, không rườm rà, không màu mè, phù hợp với tính chất formal của ngành luật. Sau đó, mình cũng có tham khảo qua một số mẫu CV trên mạng, của một số trang như topcv… nhưng mình thấy mẫu của thầy “đúng ý” mình nhất, nên từ đó mình làm CV chỉ theo một mẫu này.
II. Nội dung CV
Nội dung mẫu CV mà mình nói trên chỉ bao gồm các phần cơ bản và thiết yếu nhất, có thể tạm chia thành: Thông tin cá nhân (Personal Information), Học vấn (Education), Kinh nghiệm (Experience), và Thông tin khác (Other Information). Lúc mình làm CV của mình thì mình bổ sung thêm phần Reference, mặc dù biết là thường là người ta cũng không liên hệ đâu, nhưng mình cảm thấy có phần Reference thì vẫn “uy tín” hơn.
1. Thông tin cá nhân – Personal Information
Phần này mình chỉ để một số thông tin cơ bản, gồm: họ tên, ngày sinh, địa chỉ, email và số điện thoại.
2. Học vấn – Education
Đầu tiên là tên trường và niên khóa. Do mình học & làm ở cả Hà Nội và TP. HCM nên các thông tin trong CV mình để thêm cả địa điểm nữa. Kế đó, mình để thông tin về bằng (Bachelor of law), khoa và GPA. Sau đó là một số thành tích đạt được trong thời gian học, ví dụ các loại học bổng mình đạt được, các giải thưởng cho các cuộc thi mình thi..v..v.. Và một số hoạt động từng tham gia trong thời gian là sinh viên như tham gia các seminars về luật, seminars trao đổi chuyên môn hay các cuộc thi về một số lĩnh vực nhất định. Như thời gian mình học HLU thì mình có làm nghiên cứu khoa học và đạt được một giải thưởng nho nhỏ, tham gia các cuộc thi như Soul of Law (về luật đầu tư), E-golden (về luật doanh nghiệp)… – mình bê hết hoặc một phần các hoạt động này vào CV, tùy cân nhắc công việc ứng tuyển và độ dài CV.
Trường hợp bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa khác, không phải hoạt động học thuật, bạn cũng nên thêm vào CV, và lưu ý hãy giải thích/ trình bày cho nhà tuyển dụng thấy những hoạt động này đã giúp bạn tích lũy được những kỹ năng gì mà có thể sẽ hữu ích/ bổ trợ cho công việc sắp tới của bạn nhé. Ví dụ như bạn tham gia hoạt động tổ chức sự kiện, bạn có thể trình bày là qua đó bạn học được các kỹ năng như lên kế hoạch, phân bổ thời gian và nguồn lực, làm việc nhóm… Nội dung này chắc mình sẽ chia sẻ thêm ở một bài về kỹ năng phỏng vấn nhé.
Có thể bạn quan tâm: Chuyện phỏng vấn của mình
3. Kinh nghiệm – Experience
Do từ thời sinh viên mình đã đi thực tập ở công ty luật nên ngay từ bản CV đầu tiên mình làm thì đã có một đầu mục kinh nghiệm liên quan rồi. Ở phần này mình ghi tên công ty, thời gian làm, địa điểm (Hà Nội/Hồ Chí Minh), và ghi vắn tắt các đầu mục công việc đã làm. Để dễ hình dung, bạn có thể xem hình dưới, đây là một đoạn mô tả công việc mình làm lúc đi thực tập ở công ty luật:
Có thể bạn quan tâm: Lần đầu đi thực tập ở Công ty luật
Tất nhiên, số lượng công việc làm lúc còn thực tập thì không nhiều và vì vậy việc đưa vào CV cũng có phần dễ dàng hơn, không cần cân đo đong đếm quá nhiều như ở các công việc chính thức. Với các công việc chính thức, số lượng đầu việc và loại việc của mình khá nhiều nên mình sẽ lựa chọn kỹ hơn và cố gắng viết cô đọng khi đưa vào CV. Sự lựa chọn này thường trên cơ sở: (i) tính chất & giá trị của công việc/loại việc đó; (ii) tính chất công việc của vị trí/công ty mà mình hướng tới. Ví dụ, nếu mình gửi CV cho vị trí chuyên viên pháp chế của một doanh nghiệp, mình sẽ chú trọng thể hiện các công việc về rà soát, soạn thảo hợp đồng; rà soát các quy chế, tài liệu nội bộ; tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự doanh nghiệp mình đang tuyển dụng… Ngược lại, nếu mình ứng tuyển vào công ty luật, mình sẽ thể hiện kỹ các công việc như tiếp xúc, tư vấn khách hàng mảng A,B; viết Memo tư vấn, Ý kiến đánh giá pháp lý của luật sư; nghiên cứu và soạn thảo Báo cáo thẩm định dự án; soạn thảo, rà soát hồ sơ;….
4. Thông tin khác – Other Information
Mục này mình viết thông tin về ngoại ngữ và kỹ năng khác. Trước đây mình chỉ để ngoại ngữ thôi, bây h biết thêm một chút về digital marketing nên mình thêm vào digital marketing skills.
5. Reference
Mục này mình để thông tin liên hệ của cấp trên trực tiếp gần nhất (họ tên, chức vụ, email, số điện thoại), kiểu đơn giản như này:
Nguyen Van A (Mr.)
Managing Partner, A&B Law Firm
Tel: (+84) 123 123 123
Email: nguyenvana@ablaw.com.vn
Với những bạn nào còn đang lúng túng trong việc viết CV, hoặc đã biết viết CV nhưng chưa tự tin với cách trình bày của bày mình, hoặc nhận thấy CV của bản thân chưa phát huy được tối đa hiệu quả đối trong quá trình tìm việc, các bạn có thể tham khảo Ebook Kỹ năng tìm việc nghề luật của mình. Mình tin rằng những nội dung được chia sẻ trong Ebook chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình viết CV nói riêng và tìm việc làm nói chung.
III. Sự phù hợp
Mình nghĩ là cách viết CV như trên có thể phù hợp với các công việc có tính chất formal, nghiêm túc, nhưng sẽ không phù hợp nếu bạn ứng tuyển những công việc mang tính sáng tạo. Bên cạnh đó, việc viết CV phần nào cũng sẽ tùy thuộc vào những giá trị, kỹ năng, kinh nghiệm… các bạn tích lũy được ở thời điểm viết CV và “khẩu vị tuyển dụng” của nhà tuyển dụng mà bạn hướng đến (trong đàm phán hợp đồng có từ “khẩu vị rủi ro” nên mình bắt chước & cải biên thành “khẩu vị tuyển dụng”).
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm gì, thời gian học đại học cũng không tham gia bất cứ một hoạt động hay công việc hay khóa học nào mà qua đó bạn tích lũy được những kiến thức, kỹ năng nhất định có thể thể hiện trong CV, thì bạn cũng có thể tham khảo các mẫu CV truyền thống và bổ sung thêm các mục như Mục tiêu nghề nghiệp, các kỹ năng khác,… để CV đỡ trống trải.
Ngoài ra, cá biệt cũng có những nhà tuyển dụng có thể không thích việc ứng viên thể hiện GPA trong CV lắm. (Xuất phát từ quan điểm không muốn các bạn ỷ lại vào thành tích học tập ở trường học để tự cho là mình giỏi,… – mình xin phép không bàn thêm về chủ đề này ở đây). Với mình thì những công ty mình ứng tuyển thường yêu cầu tốt nghiệp khá, giỏi hoặc đây là điều kiện ưu tiên, mình lại may mắn nằm trong số các bạn tốt nghiệp với thành tích tốt nhất khóa, nên mình đưa thông tin về GPA vào. (Chủ yếu nó có tác dụng bổ trợ giai đoạn đầu thôi, càng về sau thì mình nghĩ rằng kinh nghiệm & kỹ năng càng quan trọng hơn, bởi vì đây là những yếu tố sẽ giúp bạn mang lại giá trị, lợi nhuận cho công ty). Vì vậy, bạn cũng nên cân nhắc công ty – nhà tuyển dụng bạn hướng đến để linh hoạt điều chỉnh cách viết cho phù hợp nhé.
IV. Tìm hiểu thêm thông tin về cách viết CV chuyên nghiệp ở đâu?
Ngoài việc tham khảo CV của thầy giáo mà mình nêu ở đầu bài, sau này mình biết thêm về cách viết CV thông qua cuốn Oxford Handbook of Legal Correspondence của Rupert Haigh. Chương cuối cùng của cuốn sách này hướng dẫn khá cụ thể về việc viết CV cũng như việc tham gia phỏng vấn, và cũng đưa ra một số mẫu CV mà bạn có thể tham khảo.
Mình nhớ trước đây hình như ở Phòng mượn bên trong (phòng mà không phải phòng mượn giáo trình ấy, mình quên mất là phòng mượn 1 hay 2 rồi) của Đại học Luật Hà Nội có cuốn này, nếu bạn nào là sinh viên HLU có thể ghé mượn tham khảo. Hoặc bạn cũng có thể đăng ký nhận mẫu CV này TẠI ĐÂY nhé.
Cuối cùng, chúc các bạn sinh viên luật nói chung và các bạn đang tìm việc nói riêng viết CV thật tốt, phỏng vấn tốt và có được công việc như ý nhé. Cảm ơn các bạn đã ghé đọc blog của mình.
*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng bài viết của Tôi học nghề luật.

