Bài tập lớn Lý luận nhà nước và pháp luật
Bài tập lớn,  Blog

Bài tập lớn Lý luận nhà nước và pháp luật

MỞ ĐẦU

Chức năng của nhà nước là tổng thể những phương diện hoạt động cơ bản, quan trọng nhất của nhà nước, phù hợp với bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ của nhà nước. Các nhà nước khác nhau có những chức năng khác nhau, tùy thuộc bản chất, tình hình cụ thể của đất nước và những nhiệm vụ, mục tiêu của nước đó. Nói cách khác, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chức năng của một nhà nước, ở các nhà nước khác nhau thì sự ảnh hưởng ấy khác nhau. Ở bài viết này, em tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến chức năng của nhà nước Việt Nam hiện nay.

NỘI DUNG

I, Hệ thống chức năng của nhà nước Việt Nam hiện nay

Nhà nước Việt Nam hiện nay có các chức năng chính sau:

  • Chức năng tổ chức và quản lí kinh tế.
  • Chức năng quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và xã hội.
  • Chức năng bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích công dân.
  • Chức năng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
  • Chức năng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
  • Chức năng mở rộng hợp tác nhiều mặt và quan hệ hữu nghị với các nước khác.

II, Các yếu tố ảnh hưởng đến chức năng của nhà nước Việt Nam hiện nay

1, Bản chất

Chức năng của một nhà nước là sự biểu hiện cụ thể ra bên ngoài của bản chất nhà nước đó. Khi bản chất có sự biến đổi thì chức năng nhà nước cũng thay đổi để phù hợp với bản chất. Chính vì vậy, bản chất là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến chức năng của nhà nước.

Về bản chất, ở các nhà nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới nói chung và nhà nước Việt Nam nói riêng, tính xã hội được mở rộng và tính giai cấp khá mờ nhạt. Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là nhà nước dân chủ, thể hiện tính xã hội rộng lớn. Chính vì vậy, ở nước ta hiện nay, các chức năng kinh tế -xã hội được chú trọng và mở rộng, có vị trí quan trọng hơn còn các chức năng như duy trì sự thống trị về tư tưởng, trấn áp..v.v.. thì thu hẹp lại. Đó là sự ảnh hưởng của bản chất tới vị trí của các chức năng.

Bản chất còn ảnh hưởng tới nội dung của từng chức năng. Việt Nam đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, vì vậy, nhà nước hiện nay đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa-nền kinh tế đa dạng các hình thức sở hữu, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể và tư nhân cũng được khuyến khích phát triển. Nhà nước xác lập, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, thỏa mãn nhu cầu của người lao động. Bản chất nhà nước ta là mang tính xã hội rộng lớn, chức năng quản lí các mặt của đời sống xã hội thể hiện rất rõ điều này. Nhà nước tiến hành phổ cập giáo dục, tạo điều kiện để mọi người dân đều được đi học. Nhà nước còn quan tâm đến việc quản lí sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân, phát triển thể dục, thể thao dân tộc, quản lí và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội của đất nước… Ở các nước mang bản chất khác, chẳng hạn như ở các nhà nước chủ nô của phương Đông cổ đại, với tính giai cấp cao và tính xã hội rất thấp, chức năng kinh tế-xã hội không được nhà nước chú trọng, công tác thủy lợi có được chú ý hơn, còn các chức năng xã hội khác hầu như nhà nước không để ý tới, đời sống người dân không được quan tâm..v.v… Như vậy, rõ ràng bản chất của nhà nước ta đã ảnh hưởng tới nội dung các chức năng của nhà nước.

Bên cạnh đó, bản chất nhà nước còn ảnh hưởng tới phương pháp thực hiện chức năng nhà nước. Nhà nước Việt Nam, với bản chất như thế, thì phương pháp thực hiện chức năng chủ yếu là giáo dục thuyết phục, còn cưỡng chế được sử dụng ở mức độ ít hơn.

2, Tình hình kinh tế-xã hội

Mỗi quốc gia có một tình hình kinh tế-xã hội khác nhau, và một quốc gia ở những thời điểm khác nhau cũng có tình hình kinh tế-xã hội khác nhau. Trong những điều kiện kinh tế-xã hội nhất định, nhà nước phải điều chỉnh những chức năng của mình sao cho phù hợp với tình hình ấy. Chẳng hạn như khi đất nước chiến tranh, nhà nước phải đặt chức năng bảo vệ Tổ quốc lên đầu, khi đất nước hòa bình nhưng khủng hoảng về kinh tế, nhà nước cần phải chú trọng điều chỉnh chức năng tổ chức và quản lí kinh tế..v..v.. Nếu một nhà nước không điều chỉnh chức năng cho phù hợp với tình hình đất nước thì đất nước đó khó có thể phát triển, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng..v..v.. Như vậy, chức năng nhà nước chịu sự chi phối của điều kiện kinh tế, xã hội.

Về tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay, trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 20/10/2014 có nói: “Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Trong điều kiện đất nước như vậy, nhà nước Việt Nam đã và đang chú trọng thực hiện chức năng quản lí kinh tế, quản lí xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự ảnh hưởng của tình hình khách quan tới vị trí của các chức năng trong hệ thống chức năng của nhà nước.

Tình hình kinh tế xã hội như thế cũng ảnh hưởng tới nội dung của từng chức năng. Ở chức năng kinh tế, nếu như trước đây nhà nước ta không đề cao vai trò của kinh tế tư nhân thì hiện tại, kinh tế tư nhân đang được khuyến khích phát triển vì chính là một trong những yếu tố có thể góp phần tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế, động lực để phát triển nền kinh tế thị trường. Ở chức năng bảo vệ Tổ quốc, nhà nước ta đang càng ngày càng tập trung quan tâm bảo vệ vùng hải đảo của đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của ta thì chức năng này được đặt lên hàng đầu, nhà nước Việt Nam đã dùng nhiều phương pháp để bảo vệ chủ quyền, chống lại sự xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc..v..v.. Đó là một vài biểu hiện cụ thể cho sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế-xã hội tới chức năng của nhà nước Việt Nam hiện nay.

3, Nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu của nhà nước

Mỗi nhà nước có những mục tiêu riêng, nhiệm vụ chiến lược riêng cho những giai đoạn phát triển của mình. Để thực hiện những mục tiêu ấy, trong từng giai đoạn, nhà nước cụ thể hóa chúng thành nội dung của các chức năng cụ thể. Vì vậy, nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng của nhà nước.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2011-2015 là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Để thực hiện những mục tiêu ấy, nội dung từng chức năng của nhà nước phải có những thay đổi nhất định. Chẳng hạn như mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến chức năng tổ chức và quản lí kinh tế. Để thực hiện mục tiêu đó, trong khuôn khổ chức năng kinh tế, nhà nước ta đã tiến hành các hoạt động như: triển khai hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và quản lý nợ công; tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường…

4, Hợp tác quốc tế và xu thế toàn cầu hóa

Một nhà nước trong quá trình tồn tại và phát triển của mình chắc chắn phải có sự hợp tác với các nước khác và hợp tác với thế giới. Hơn thế nữa, ngày nay xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Những điều này đòi hỏi nhà nước phải có các chức năng phù hợp với việc hợp tác quốc tế, và điều chỉnh việc thực hiện các chức năng sao cho nước mình có thể hội nhập phát triển tốt nhất trong bối cảnh như vậy. Vì thế, hợp tác quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chức năng của nhà nước.

Việt Nam hiện đã là thành viên của rất nhiều tổ chức quốc tế, tham gia kí kết nhiều công ước, hiệp ước của thế giới. Trước sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nhà nước ta cũng cần có nhiều chính sách để phát huy được những tác động tích cực của xu thế này, đồng thời đối mặt với những thách thức của nó. Thực tế này đã có một số ảnh hưởng nhất định tới chức năng của nhà nước Việt Nam hiện nay.

Trước hết, điều ta thấy rõ nhất, chức năng mở rộng hợp tác nhiều mặt và quan hệ hữu nghị với các nước khác đang rất được chú trọng. Trong hệ thống chức năng của nhà nước thì vị trí, tầm quan trọng của chức năng này thay đổi rõ rệt so với trước đây. Bên cạnh đó, tổ chức và quản lí kinh tế cũng là chức năng luôn được đề cao, vì phải có kinh tế vững mạnh, đất nước mới có thể hội nhập quốc tế tốt, và mới có đủ điều kiện tham gia một số tổ chức quốc tế. Như vậy, có thể nói, hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa đã ảnh hưởng tới vị trí các chức năng của nhà nước ta hiện nay.

Vấn đề này còn ảnh hưởng tới nội dung của các chức năng. Trước đây, khi nhà nước ta tham gia hội nhập quốc tế ít, nội dung chức năng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chỉ giới hạn ở việc đảm bảo trật tự trong khuôn khổ quốc gia; còn hiện nay, phạm vi thực hiện chức năng này mở rộng hơn, bao gồm cả việc đảm bảo an ninh cho thị trường tiêu thụ hàng hóa của nước ta trên trường quốc tế, chống lại hành vi phá hoại kinh tế từ bên ngoài, đe dọa môi trường đầu tư, phát triển kinh tế của đất nước..v..v.. Hợp tác quốc tế và xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi ở chức năng quản lí khoa học kĩ thuật của nhà nước ta phải phát triển hơn nữa để theo kịp với công nghệ thế giới, đồng thời chủ động tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới mẻ và tiến bộ của các nước khác. Chức năng tổ chức và quản lí kinh tế cũng được mở rộng hơn, có những thay đổi nhất định…

KẾT LUẬN

Như vậy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chức năng của nhà nước Việt Nam hiện nay như: bản chất nhà nước Việt Nam, tình hình kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chiến lược và mục tiêu của nhà nước, hợp tác quốc tế và xu thế toàn cầu hóa. Các yếu tố ấy có thể ảnh hưởng đến nội dung của chức năng, vị trí của các chức năng hay phương pháp thực hiện chức năng. Vì thế, để thực hiện tốt các chức năng của mình, nhà nước cần đặt nó trong mối quan hệ với các yếu tố trên để xem xét, đánh giá và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2013.
  2. Phạm Thái Việt, Vấn đề điều chỉnh chức năng và thể chế của nhà nước dưới tác động của toàn cầu hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.
  3. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2005.
  4. Nguyễn Văn Động, Giáo trình lí luận về nhà nước và pháp luật, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014.
  5. Nguyễn Thị Hồi, “Về vai trò và chức năng của nhà nước”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 11/2004.
  6. Lê Thu Hằng, “Góp phần đổi mới nhận thức về chức năng của nhà nước”, Tạp chí luật học, số 1/2002.
  7. Trương Quốc Chính, Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa và một số nhiệm vụ cơ bản thể hiện chức năng xã hội của nhà nước ta, http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/12/15/4199/, truy cập ngày 12/9/2014.
  8. Báo cáo của Thủ tướng về tình hình kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu?articleId=10053664, truy cập ngày 12/9/2014.

*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết của Tôi học nghề luật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *