
Bài tập lớn Luật Thương mại 1
MỞ ĐẦU
Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời với nhiều kỳ vọng về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tháo gỡ nhiều khó khăn, “cởi trói” cho doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế. Với 213 điều luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhận được nhiều luồng ý kiến phản hồi khác nhau, cũng như nhiều bình luận, đánh giá của các chuyên gia. Vậy Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thực sự là hành lang pháp lý tốt cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hay chưa? Trong phạm vi bài viết này, với đề tài “Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 so với Luật Doanh nghiệp năm 2005”, người viết sẽ tập trung phân tích một số điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đồng thời đưa ra ý kiến cá nhân về những sự đổi mới này, cũng như một số hiệu quả của nó trên thực tế.
NỘI DUNG
I. Về ngành, nghề kinh doanh
Kế thừa tinh thần về quyền tự do kinh doanh ở Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 tiếp tục ghi nhận: doanh nghiệp có quyền “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” (khoản 1 điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Tuy nhiên, ở Luật Doanh nghiệp năm 2014, quyền tự do kinh doanh được thể hiện rõ nét hơn, sâu sắc hơn, đặc biệt là ở vấn đề ngành, nghề kinh doanh.
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, và việc quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện được thực hiện theo cơ chế “hậu kiểm”. Trước đây, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, điều kiện về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề cần phải được đáp ứng khi thành lập doanh nghiệp, được thể hiện dưới hình thức văn bản trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2015, khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực thi hành, đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, hồ sơ thành lập doanh nghiệp không cần phải có các loại giấy tờ trên nữa. Theo quy định tại điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2014, chỉ cần ngành, nghề kinh doanh không thuộc nhóm bị cấm đầu tư kinh doanh, và doanh nghiệp có hồ sơ hợp lệ, cũng như đáp ứng quy định về tên doanh nghiệp và lệ phí đăng ký doanh nghiệp thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu như trước đây, cơ quan đăng ký kinh doanh bên cạnh kiểm tra các yếu tố khác của hồ sơ còn phải xem xét thêm cả văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề thì bây giờ cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ cần kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, còn người đăng ký thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ, và vấn đề quản lý điều kiện kinh doanh là câu chuyện của các cơ quan quản lý chuyên ngành với doanh nghiệp. Nói cách khác, Luật Doanh nghiệp hiện hành đã chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Điều này không chỉ là một sự đổi mới về mặt quy định của pháp luật, mà còn là một sự tiến bộ về tư duy quản lý của cơ quan nhà nước. Chính cơ chế này sẽ mở rộng cơ hội gia nhập thị trường của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đối với vấn đề thành lập cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể nói, sự thay đổi này còn thể hiện một cái nhìn đúng đắn hơn về bản chất của vấn đề đăng ký doanh nghiệp. Rõ ràng, đăng ký doanh nghiệp thực chất chỉ là việc khai sinh một doanh nghiệp, là sự thừa nhận về mặt pháp lý việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp đó. Việc yêu cầu đáp ứng điều kinh doanh ở khâu thành lập doanh nghiệp vô hình chung đã làm sai lệch đi bản chất của thủ tục pháp lý này. Và Luật Doanh nghiệp năm 2014, với cách quy định như trên, đã hoàn toàn khắc phục được điều đó.
Thứ hai, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh. Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã đăng ký và ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khoản 5 điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng ghi rõ ngành, nghề kinh doanh là một trong những nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Với cách quy định như thế, Luật Doanh nghiệp năm 2005 vô hình chung đã tự phủ nhận lại quy định “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm” tại khoản 1 điều 7 Luật này. Bởi doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh ngành, nghề không đăng ký sẽ bị coi là hành vi kinh doanh trái phép và bị xử lý. Còn nếu doanh nghiệp muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh thì doanh nghiệp lại phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này rõ ràng là một sự hạn chế đối với quyền tự do kinh doanh của cá nhân, và là sự rườm rà hóa thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ đi quy định yêu cầu phải ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ bao gồm: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, thông tin của của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên công ty và vốn điều lệ. Việc quy định như vậy vừa đơn giản hóa về mặt thủ tục hành chính, lại cắt giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quy định này cũng góp phần “thực hiện lộ trình chuyển tải các thông tin doanh nghiệp (trong đó có thông tin về ngành, nghề đăng ký kinh doanh) về một đầu mối thống nhất là Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thống nhất và dễ dàng các thông tin về doanh nghiệp cũng như giảm tải các công việc giấy tờ của các cơ quan nhà nước, từ đó phục vụ doanh nghiệp tốt hơn”(1). Không bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng là cách mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 thể chế hóa quyền tự do kinh doanh – quyền hiến định của cá nhân, được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Theo đó, bất cứ ngành, nghề nào mà pháp luật không cấm – chứ không phải chỉ những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trước – thì doanh nghiệp sẽ được tự do tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả đó là ngành nghề chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam cũng như chưa được quy định tại các văn bản pháp luật khác(2). Như vậy, về mặt chính sách, có thể nói việc không bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một quy định rất tiến bộ và phù hợp. Tuy nhiên, sau khi triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là “đột phá trên giấy” và vẫn còn nhiều “rào cản thực thi” trên thực tế. Mặc dù trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không cần ghi ngành, nghề kinh doanh, nhưng trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành, nghề dự kiến hoạt động, cụ thể là ở Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Do đó, đứng ở góc độ doanh nghiệp, có thể thấy chưa có cải tiến gì về mặt thủ tục. Theo quan điểm của người viết, mặc dù Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp vẫn có mục ngành, nghề kinh doanh, nhưng việc ghi ngành, nghề kinh doanh ở đây chỉ là dự kiến những ngành, nghề doanh nghiệp sẽ hoạt động, nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý của Nhà nước. Không thể căn cứ vào đó mà phủ nhận đi những tác động tích cực của việc không bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bởi với quy định như thế, khi muốn thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Điều này rõ ràng là tiết kiệm hơn về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, và chắc chắn là đảm bảo tốt hơn đối với quyền tự do kinh doanh.
Cùng với việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp và việc không bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng bỏ đi các quy định về ngành, nghề cấm kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng như điều kiện kinh doanh. Điều này nhằm thực hiện việc thống nhất các quy định về ngành nghề kinh doanh, nhằm loại bỏ sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật và đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Theo đó, vấn đề ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cụ thể là tại điều 6, điều 7, điều 8 và Phụ lục 1,2,3,4 Luật này. Và Luật Đầu tư năm 2014 cũng khẳng định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí”. Việc thống nhất về mặt quy định pháp luật như vậy sẽ tạo lập cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư, cũng như cho việc quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo quyền lợi chắc chắn cho doanh nghiệp, loại bỏ những khó khăn do việc phải chịu sự điều chỉnh chồng chéo của nhiều văn bản pháp luật đối với một vấn đề như trước đây.
Với những thay đổi như vậy về vấn đề ngành, nghề kinh doanh, có thể nói, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thể chế hóa một cách khá đầy đủ quyền tự do kinh doanh của cá nhân và loại bỏ dần đi tư duy “lo hộ, nghĩ hộ doanh nghiệp” trong quản lý nhà nước, đồng thời hướng đến xây dựng một nền kinh tế thị trường đúng với bản chất của nó – nền kinh tế mà ở đó hoạt động sản xuất kinh doanh vận động dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường, và không tồn tại những chính sách can thiệp thô bạo của nhà nước vào “đời sống” của doanh nghiệp.
II. Về thành lập doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp là một trong những vấn đề mà từ Luật Doanh nghiệp năm 2005 đến luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều sự đổi mới nhất, bao gồm những điểm mới trong việc cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, về phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp (bao gồm cả việc không bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh như đã phân tích ở trên), về việc tách thủ tục đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư theo dự án… Ở đây, người viết lựa chọn để phân tích hai điểm mới mà từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực đã tạo ra những tác động đáng kể đối với hoạt động thành lập doanh nghiệp nói riêng và vấn đề đầu tư kinh doanh nói chung, đó là: thời gian cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và việc tách bạch Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với Giấy chứng nhận đầu tư.
1. Thời gian cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp
Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ…” (khoản 2 điều 15 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Sau đó, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP rút gọn khoảng thời gian này xuống còn năm ngày: “Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp…” (khoản 1 điều 28 Nghị định 43/2010/NĐ-CP). Hiện tại, với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thời gian cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn ba ngày. Khoản 2 điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.” Tiếp đó, khoản 3 điều 31 Luật này cũng ghi nhận thời hạn ba ngày đối với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho trường hợp đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tất nhiên, việc giảm từ năm ngày xuống còn ba ngày ở đây không chỉ là một sự cắt giảm đơn thuần về số lượng, mà nó còn đi kèm với việc bớt đi nhiều thủ tục rườm rà và song song với đó là việc giảm các chi phí cho doanh nghiệp. Có thể nói, pháp luật doanh nghiệp đã trải qua một chặng đường rất dài để đi tới con số ba ngày cho vấn đề thành lập doanh nghiệp – và chưa bao giờ việc thành lập doanh nghiệp ngắn gọn, dễ dàng và đơn giản như thế! Chính điều này đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường, thúc đẩy đầu tư, và mang lại những hiệu quả đáng kể cho môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong năm vừa qua. Theo số liệu thống kê được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong quý IV năm 2015, cả nước có 26.407 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 180.586 tỷ đồng, tăng 15,1% về số doanh nghiệp và tăng 30,3% về số vốn đăng ký so với Quý III/2015; so với Quý II/2015, tăng 0,19% về số doanh nghiệp và tăng 5,5% về số vốn đăng ký; so với Quý I/2015, tăng 38,6% về số doanh nghiệp và tăng 62,4% về số vốn đăng ký; so với cùng kỳ năm trước, tăng 21,9% về số doanh nghiệp và tăng 61,3% về số vốn đăng ký. So sánh số doanh nghiệp đăng ký thành lập 5 năm gần đây (tính đến năm 2015) thì năm 2015 là năm kỷ lục có số doanh nghiệp và số vốn đăng ký cao nhất. Trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 34.721 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 248.244 tỷ đồng, tăng 22,9% về số doanh nghiệp và tăng 52,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp tăng 9,7%; vốn tăng 13,3%). Như vậy, rõ ràng có một sự gia tăng đáng kể số doanh nghiệp được thành lập dưới tác động của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Có thể coi đây là một trong những dấu hiệu của việc thu hút đầu tư, thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
2. Tách bạch Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại điều 50 Luật Đầu tư 2005: “Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”. Điều 20 Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định: “Hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện và nội dung đăng ký kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”. Như vậy, trước đây, đối với nhà đầu tư nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đầu tư là một. Quy định này nghe qua thì có vẻ như giảm bớt thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế lại gây ra không ít khó khăn cho các nhà đầu tư. Việc gộp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đầu tư làm cho việc xác định thủ tục đầu tư, kinh doanh đối với các doanh nghiệp này trở nên khó khăn và phức tạp hơn, tạo ra sự chồng chéo trong vấn đề quản lý. Hiện nay, khoản 1 điều 22 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này…” Đồng thời, điều 21, điều 22, điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng thừa nhận bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư là một yếu tố trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định như vậy sẽ rõ ràng hơn về mặt thủ tục, đồng thời chính xác hơn về bản chất pháp lý, bởi rõ ràng đây là hai loại giấy tờ khác nhau. Một mặt, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là giấy tờ để khai sinh doanh nghiệp, để tạo tư cách pháp lý cho doanh nghiệp bước vào thị trường. Mặt khác, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lại là giấy tờ để xác nhận nhà đầu tư được phép đầu tư kinh doanh, thường được gắn liền với các dự án đầu tư. Vậy, rõ ràng bản chất của hai loại giấy tờ này không hề giống nhau, và việc tách ra là đúng đắn. Tách bạch hai loại giấy tờ này cũng có nghĩa là tách bạch hoạt động đầu tư theo dự án với hoạt động đăng ký kinh doanh. Khi đó, việc quản lý đối với hai hoạt động này sẽ đúng với thẩm quyền của từng cơ quan quản lý, rõ ràng và minh bạch hơn. Điều này chắc chắn mang lại hiệu quả tốt hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư, hơn thế nữa, việc tách hai thủ tục này cũng tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư khi muốn thay đổi thông tin trên giấy tờ.
III. Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Trước hết, ở Luật Doanh nghiệp năm 2005, quy định về người đại diện theo pháp luật nằm rải rác ở các điều luật khác nhau. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có điều khoản chung quy định về vấn đề này, giúp cho vấn đề tra cứu thông tin và thực hiện pháp luật được dễ dàng hơn. Cụ thể là điều 13, điều 14 Luật Doanh nghiệp năm 2014 – điều 13 quy định các vấn đề chung về người đại diện theo pháp luật, điều 14 quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật.
Trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần chỉ có một người đại diện theo pháp luật – quy định tại điều 46, điều 67 và điều 95 luật này. Còn hiện nay, khoản 2 điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Với quy định này, doanh nghiệp có thể tự quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, chức danh và quyền, nghĩa vụ của người đó dựa trên nhu cầu quản trị của công ty. Đây là một điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 – một điểm mới tiến bộ. Ở khía cạnh quyền tự do kinh doanh có thể nhận định rằng quy định này một lần nữa khẳng định sự đảm bảo tự do kinh doanh, tự chủ doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Việc cho phép có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ giúp cho doanh nghiệp phân chia quản lý linh hoạt hơn, tận dụng được tối đa các cơ hội kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận. Và chính việc trao quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật là một chủ trương đúng đắn, phù hợp nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp hiện nay. Ở khía cạnh quản lý nội bộ, có nhiều người đại diện theo pháp luật còn có thể giúp cho doanh nghiệp tránh được vấn đề lạm quyền, đảm bảo sự quản lý điều hành trong doanh nghiệp được chặt chẽ hơn. Như vậy, đây cũng là một trong những sự thay đổi mang lại tác động tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp của nước ta.
Tuy nhiên, với quy định của pháp luật hiện nay, doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn trong trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật, bởi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vẫn phải có các thông tin chi tiết của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, kể cả là trường hợp nhiều người đại diện. Do đó, “mỗi lần thay đổi người đại diện theo pháp luật, lại xuất hiện một khoảng thời gian không thể xác định được người đại diện, khi mà người đại diện cũ không còn quyền và người đại diện mới thì chưa được ghi nhận trên giấy tờ pháp lý chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”(3). Khi đó, các giao dịch của doanh nghiệp không xác định được người có thẩm quyền thỏa thuận và ký kết, rất dễ xảy ra tranh chấp và mâu thuẫn trên thực tế. Hơn nữa, với quy định nhiều người đại diện theo pháp luật, yêu cầu đặt ra với đối tác của doanh nghiệp trong việc hợp tác làm ăn sẽ lớn hơn. Theo đó, mỗi lần đàm phán, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, đối tác của doanh nghiệp sẽ phải thẩm định xem người đứng ra thương lượng với mình có đủ thẩm quyền hay không, đã đúng lĩnh vực mà họ có trách nhiệm quản lý chưa… Đối với vấn đề này, người viết đề xuất việc điện tử hóa các thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Tức là, chúng ta tạo lập cơ chế điện tử cho quản lý thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để thay thế cho việc ghi nhận nó trên các giấy tờ, từ đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp mỗi lần thay đổi người đại diện theo pháp luật, cũng như thuận lợi hơn cho các đối tác của doanh nghiệp trong vấn đề tra cứu thẩm quyền của mỗi người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp.
IV. Về mô hình quản trị công ty cổ phần
Trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần được quy định như sau: “Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.” (điều 95 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn giữ nguyên mô hình này (mô hình đa hội đồng), đồng thời bổ sung thêm một mô hình nữa, trong đó bao gồm “Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.” (điểm b điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014) – mô hình đơn hội đồng. Thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005 cho thấy Ban kiểm soát trong mô hình đa hội đồng hoạt động không hiệu quả, vẫn còn thiếu tính độc lập trong hoạt động kiểm tra giám sát và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Trong Báo cáo đánh giá dự báo tác động dự án Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng chỉ rõ: “Thực tế cho thấy áp dụng duy nhất mô hình quản trị đa hội đồng như hiện nay không còn phù hợp với thực tế đa dạng của doanh nghiệp về quy mô, tính chất sở hữu và sự đa dạng của cách thức quản trị công ty”. Chính vì vậy, ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp đã đưa thêm cả mô hình đơn hội đồng vào văn bản pháp luật này, đồng thời dành quyền lựa chọn mô hình quản trị cho chính doanh nghiệp. Điều này trước đây chỉ có ở pháp luật chứng khoán, và là một cách làm thường được áp dụng ở khối pháp luật Anglo-Saxon. Sự thay đổi này vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, lại vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tính độc lập của thành viên độc lập trong mô hình đơn hội đồng cao hơn so với Ban kiểm soát trong mô hình đa hội đồng, do đó hoạt động cũng có nhiều khả năng mang lại hiệu quả cao hơn. Hơn thế nữa, việc áp dụng mô hình đơn hội đồng còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quản lý nội bộ, đặc biệt là ở trong bối cảnh tài chính doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Việc quy định hai mô hình như ở Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép doanh nghiệp được lựa chọn mô hình phù hợp với các nguồn lực của mình, góp phần tăng linh hoạt trong tổ chức quản trị doanh nghiệp, từ đó đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.
V. Về doanh nghiệp xã hội
Trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời, các doanh nghiệp xã hội cũng đã tồn tại trên thực tế, nhưng chưa được pháp luật thừa nhận. Khái niệm doanh nghiệp xã hội lần đầu tiên được nhắc đến tại điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó:
“1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
- b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
- c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.”
Trước hết, cần phải hiểu rằng doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp, mà nó cũng được tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội khác với các doanh nghiệp khác ở mục tiêu hoạt động và vấn đề sử dụng lợi nhuận. Nếu như các doanh nghiệp thông thường hoạt động để tìm kiếm lợi nhuận, và sau đó phân chia lợi nhuận cho các thành viên của mình; thì doanh nghiệp xã hội hoạt động nhằm “giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng” và dùng ít nhất 51% tổng lợi nhuận để “tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký”. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, cũng như tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội phải đảm bảo duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và các nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp xã hội cũng được hưởng một số ưu đãi như được huy động và nhận tài trợ trong nước, được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài; chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp sẽ được xem xét tạo thuận lợi trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật… Vậy, câu chuyện đặt ra ở đây là tại sao chúng ta lại phải quy định về doanh nghiệp xã hội, với những quyền và nghĩa vụ như trên? Việc luật hóa doanh nghiệp xã hội của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là tích cực hay tiêu cực? Để trả lời câu hỏi này, hãy điểm qua một chút về thực trạng doanh nghiệp xã hội ở nước ta trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời.
Trước đây, do chưa có sự thừa nhận chính thức về mặt pháp lý, nhận thức về doanh nghiệp xã hội còn rất hạn chế nên các doanh nghiệp này hoặc bị nhầm lẫn với các tổ chức từ thiện, hoặc bị hoài nghi về mục tiêu xã hội khi vận hành dưới hình thức doanh nghiệp. Thiếu khuôn khổ pháp lý, thiếu sự tin tưởng trong cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực hay các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Tại thời điểm chưa có Luật Doanh nghiệp năm 2014, do chưa có địa vị pháp lý riêng nên một tổ chức mang bản chất của doanh nghiệp xã hội phải lựa chọn hoặc là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hoặc là tổ chức xã hội và chịu sự điều chỉnh của một số văn bản về các hội hay các loại hình tổ chức tự nguyện của nhân dân. Tuy nhiên, hai sự lựa chọn này đều không đáp ứng được bản chất thực sự của doanh nghiệp xã hội, và dẫn đến nhiều khó khăn trong vấn đề thành lập cũng như hoạt động của loại doanh nghiệp này. Ví dụ như khi hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, nhưng lại sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư phục vụ cho môi trường, xã hội chứ không phải phân chia cho các thành viên, cổ đông. Điều này chưa chắc đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía các nhà đầu tư, có thể tạo ra sự không nhất quán trong việc sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn với vấn đề thống nhất và đáp ứng quyền lợi của các nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp mình. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp xã hội hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp ở thời điểm này còn thiếu đi những sự ưu đãi về tài chính mà đáng lẽ với bản chất xã hội như thế thì doanh nghiệp phải được hưởng – đó có thể là ưu đãi trong vấn đề tiếp nhận tài trợ, viện trợ hay trong vấn đề khấu trừ chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp… Thực trạng này là rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội tại thời điểm bấy giờ.
Trở lại với Luật Doanh nghiệp năm 2014, văn bản pháp luật đã giải quyết câu chuyện về địa vị pháp lý cho một mô hình đã chờ đợi được luật hóa từ lâu. Với việc đưa doanh nghiệp xã hội trở thành một phạm trù pháp lý chính thức, bằng những quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ (điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014); chính sách phát triển doanh nghiệp xã hội, đăng ký doanh nghiệp xã hội, tiếp nhận viện trợ, tài trợ… (Nghị định 96/2015/NĐ-CP), có thể nói pháp luật doanh nghiệp hiện nay đã đạt được một bước tiến dài hơn trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp với xã hội và môi trường. “Thế mạnh của doanh nghiệp xã hội là áp dụng mô hình kinh doanh dựa trên những nguyên tắc và động lực của thị trường để giải quyết chính những thất bại của thị trường và các vấn đề xã hội. Nói cách khác, doanh nghiệp xã hội giải quyết được cả hai mục đích xã hội và kinh tế, trong đó mục tiêu xã hội là mục tiêu chủ đạo, đạt được mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt được mục tiêu xã hội ở quy mô lớn hơn một cách bền vững”(4). Thừa nhận và tạo lập khuôn khổ pháp lý doanh nghiệp xã hội là cách thức để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực quốc gia, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đồng thời hướng đến sự phát triển toàn diện cả về kinh tế và xã hội. Trên thế giới, doanh nghiệp xã hội đã tồn tại từ rất lâu và mang lại nhiều hiệu quả đáng kể cho nền kinh tế của các quốc gia thừa nhận mô hình này. Ví dụ, năm 2005 ở Anh có khoảng 55.000 doanh nghiệp xã hội với doanh thu lên tới 27 tỷ bảng, chiếm 5% tổng lao động của các doanh nghiệp, và mỗi năm đóng góp 8,4 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh(5); hay ở Hoa Kỳ, sự thay đổi trong tỷ trọng của tổng doanh thu từ nguồn kinh doanh thương mại phi lợi nhuận tăng từ 48,1% của năm 1982 lên những 57,6% vào năm 2002, trong khi đó tăng trưởng từ nguồn đóng góp của khối tư nhân chỉ từ 19,9% lên tới 22,2% và sự hỗ trợ tài chính của chính phủ chỉ tăng nhẹ từ 17% lên 17,2%(6)… Như vậy, việc ghi nhận doanh nghiệp xã hội ở Luật Doanh nghiệp năm 2014 quả thực là một sự đổi mới mang nhiều kỳ vọng về những tác động tích cực cho cả nền kinh tế lẫn xã hội của Việt Nam.
KẾT LUẬN
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng Luật Doanh nghiệp năm 2014 quả thực đã có những thay đổi và tiến bộ vượt bậc so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tất nhiên không thể phủ nhận rằng bên cạnh những ưu điểm như thế, thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn còn những hạn chế nhất định, vẫn còn những mâu thuẫn trong chính văn bản pháp luật hay những bất cập trong triển khai thi hành trên thực tế. Nhưng với những quy định mới mẻ và tiến bộ như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thể hiện một sự thay đổi rõ rệt trong tư duy quản lý của Nhà nước ta, góp phần tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, khơi dậy tối đa nguồn lực kinh doanh trong xã hội, đồng thời đảm bảo cho cơ chế thị trường phát triển một cách đầy đủ và toàn diện. Vì vậy, có lẽ đây sẽ là một hành lang pháp lý tốt cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế bây giờ và cả sau này.
[1] Nguyễn Như Chính, Đánh giá một số quy định mới trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Luật học số 01/2016, trang 4.
[2] Khoản 5 điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”
[3] Nguyễn Như Chính, Đánh giá một số quy định mới trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Luật học số 01/2016, trang 4.
[4] Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – khái niệm, bối cảnh và chính sách”, CIEM – Hội đồng Anh, trang 22.
[5] Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – khái niệm, bối cảnh và chính sách”, CIEM – Hội đồng Anh, trang 36.
[6] Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – khái niệm, bối cảnh và chính sách”, CIEM – Hội đồng Anh, trang 42.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Doanh nghiệp năm 2014
- Luật Doanh nghiệp năm 2005
- Luật Đầu tư năm 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp
- Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.
- Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Nguyễn Thị Yến, Vũ Phương Đông, Nguyễn Như Chính, Lê Hương Giang, Nguyễn Ngọc Anh, Vũ Hòa Như, Hướng dẫn môn học Luật thương mại Tập 1, Nxb. Lao động, 2014.
- Vũ Mỹ Linh, Khóa luận tốt nghiệp: Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Hà Nội, 2015.
- Báo cáo đánh giá dự báo tác động dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
- CIEM – Hội đồng Anh, Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – khái niệm, bối cảnh và chính sách”
- Nguyễn Như Chính, Đánh giá một số quy định mới trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Luật học số 01/2016.
- Trần Quang Minh, Thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014: những điểm cần chú ý, http://www.thesaigontimes.vn/ , http://www.thesaigontimes.vn/132361/Thuc-hien-Luat-Doanh-nghiep-2014-nhung-diem-can-chu-y.html , 04/07/2015, 13/05/2016.
- Hướng Dương, Bảy điểm mới cần lưu ý trong Luật Doanh nghiệp 2014, http://cafef.vn/ , http://cafef.vn/doanh-nghiep/bay-diem-moi-can-luu-y-trong-luat-doanh-nghiep-2014-2014121712124207713.chn , 17/12/2014, 13/05/2016.
*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết của Tôi học nghề luật.

