
Bài tập lớn Luật Hiến pháp
MỞ ĐẦU
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” (1). Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã khẳng định như vậy. Và sự thật là như vậy. Từ trước đến nay, nhân dân ta luôn anh dũng đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc nói riêng và các quyền dân tộc cơ bản nói chung. Quyền dân tộc cơ bản của đất nước ta, nền độc lập của dân tộc ta là thành quả cách mạng, là sự đánh đổi xương máu của nhân dân ta. Trong lịch sử lập hiến của dân tộc, quyền dân tộc cơ bản luôn là một vấn đề quan trọng. Ở bài viết này, em tìm hiểu sự kế thừa và phát triển của quyền dân tộc cơ bản qua năm bản hiến pháp của nước Việt Nam.
NỘI DUNG
I, Một số vấn đề khái quát về quyền dân tộc cơ bản
1, Định nghĩa quyền dân tộc cơ bản
Quyền dân tộc cơ bản là những quyền cơ bản nhất, là cơ sở để đảm bảo cho một dân tộc tồn tại và phát triển, đồng thời thực hiện các quyền khác của mình, cơ sở để đảm bảo thực hiện quyền lực nhà nước.
2, Nội dung của quyền dân tộc cơ bản
Quyền dân tộc cơ bản bao gồm các yếu tố: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Độc lập: Quốc gia có lãnh thổ, dân cư, pháp luật, bộ máy nhà nước, nước đó phải không lệ thuộc vào bất kì nước ngoài nào, không có sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ.
Chủ quyền: quyền tự quyết của nhà nước trong các vấn đề đối nội, đối ngoại, chiến tranh, hòa bình.
Thống nhất: Quốc gia có sự thống nhất về lãnh thổ, bộ máy nhà nước, pháp luật, chính sách đối nội, đối ngoại, tiền tệ.
Toàn vẹn lãnh thổ: bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời.
Bốn yếu tố của quyền dân tộc cơ bản có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau, vì độc lập mà không có chủ quyền thì không thể gọi là độc lập, độc lập mà không có thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì không phải là độc lập trọn vẹn.
3, Ý nghĩa của quyền dân tộc cơ bản
Quyền dân tộc cơ bản là nội dung quan trọng của hiến pháp, là cơ sở cho việc ghi nhận các chính sách về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh… là cơ sở để đảm bảo thực hiện chủ quyền nhà nước, chủ quyền nhân dân. Vì vậy, cả 5 bản hiến pháp đều quy định về vấn đề này, tuy nhiên, nội dung quy định ở 5 bản hiến pháp có khác nhau, tùy vào hoàn cảnh thực tế trong mỗi giai đoạn.
Quyền dân tộc cơ bản là căn cứ pháp lí để khẳng định độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia, đồng thời chống lại các hành vi xâm phạm đến quyền lợi quốc gia.
II, Sự kế thừa và phát triển quyền dân tộc cơ bản trong lịch sử lập hiến Việt Nam
1, Quyền dân tộc cơ bản theo hiến pháp năm 1946
Trong hiến pháp năm 1946, quyền dân tộc cơ bản được quy định tại điều 2 chương I: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”.
Ở bản hiến pháp này, tính thống nhất về lãnh thổ được nhấn mạnh.Đó là bởi vì thời điểm ra đời hiến pháp, nước ta vừa giành được độc lập, hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên, quy định như thế vừa là sự khẳng định về lãnh thổ của đất nước với toàn thể đồng bào, vừa là sự tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam có lãnh thổ độc lập và thống nhất. Cả ba miền Trung, Nam, Bắc đều là máu thịt của Việt Nam, gắn bó với nhau, và nhất quyết không thể phân chia. Quy định ấy còn là sự cảnh cáo đối với những ý đồ, dã tâm mong muốn “chia để trị” đất nước ta lúc bấy giờ.
Thời điểm hiến pháp năm 1946 ra đời, nước ta chưa có khái niệm cụ thể về quyền dân tộc cơ bản, nên hiến pháp 1946 chưa quy định thực sự đầy đủ về vấn đề này. Nhưng với tình hình lịch sử và nhiệm vụ của dân tộc ta lúc đó, quy định như thế vẫn là phù hợp. “Bản hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do….” (2)
2, Quyền dân tộc cơ bản theo hiến pháp năm 1959
Ở hiến pháp năm 1959, quyền dân tộc cơ bản được quy định tại điều 1 chương I: “Đất nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt”
Sự kế thừa:
Hiến pháp 1959 kế thừa tính thống nhất về lãnh thổ của hiến pháp 1946.Ngay từ lời mở đầu của bản hiến pháp này, ta đã thấy sự nhấn mạnh về thống nhất Bắc Nam: “Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau”. PTS Nguyễn Đình Lộc có viết: “… đối với nước ta vào thời điểm hiếnpháp 1959 ra đời, tình trạng đất nước bị phân chia không còn là một âm mưu mà đang là một thực tế và là dã tâm của một kẻ thù nham hiểm, tàn bạo đang tham vọng hợp thức hóa sự chia cắt đó một cách vĩnh viễn”(3). Đặt vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ta thấy sự kế thừa ấy là đúng đắn, hợp lí và tất yếu.
Sự phát triển:
Về vị trí, ở hiến pháp năm 1959, quyền dân tộc cơ bản đã được đưa lên điều 1 chương I. Điều này thể hiện tầm quan trọng của vấn đề quyền dân tộc cơ bản, đồng thời thể hiện sự quan tâm của nhà nước và pháp luật tới vấn đề đó. Đây là một bước phát triển của vấn đề quyền dân tộc cơ bản trong quy định của hiến pháp, và được kế thừa ở các bản hiến pháp sau này.
Về nội dung, hiến pháp 1959 thể hiện sự thống nhất đất nước kéo dài từ Bắc đến Nam-“là một khối Bắc Nam thống nhất”. So với hiến pháp 1946 và đặt trong bối cảnh đất nước chia cắt hai miền, đây cũng có thể được coi là một điểm phát triển, và phù hợp với tình hình hiện tại.
3, Quyền dân tộc cơ bản theo hiến pháp năm 1980
Ở hiến pháp năm 1980, quyền dân tộc cơ bản được quy định tại điều 1 chương I: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất, và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo.”
Sự kế thừa:
Về vị trí: trong hiến pháp năm 1980, quyền dân tộc cơ bản cũng được quy định tại điều 1 chương I. Điều đó thể hiện sự thật rằng, quyền dân tộc cơ bản chắc chắn là vấn đề quan trọng hàng đầu của quốc gia.
Về nội dung: hiến pháp năm 1980 kế thừa yếu tố thống nhất về lãnh thổ của hai bản hiến pháp trước. Đó là điều hiển nhiên, bởi vì lãnh thổ thống nhất là điều mà dân tộc ta luôn hướng đến, gìn giữ và bảo vệ, là quyền của mọi dân tộc độc lập.
Sự phát triển:
Có thể nói, ở hiến pháp năm 1980, vấn đề quyền dân tộc cơ bản có một sự phát triển vượt bậc. Tại thời điểm này, khái niệm quyền dân tộc cơ bản đã được nhận thức đúng đắn và đầy đủ. Hiến pháp 1980 đã quy định rõ cả bốn yếu tố cấu thành quyền dân tộc cơ bản: độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong yếu tố toàn vẹn lãnh thổ, hiến pháp 1980 cũng ghi rõ các bộ phận cấu thành lãnh thổ nước ta, đó là đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Đó là những điểm mới mẻ và tiến bộ, đúng đắn, thể hiện sự phát triển của vấn đề quyền dân tộc cơ bản trong lịch sử lập hiến Việt Nam.
4, Quyền dân tộc cơ bản theo hiến pháp năm 1992 và năm 2013
Ở hiến pháp năm 1992, quyền dân tộc cơ bản được quy định tại điều 1 chương I: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
Ở hiến pháp năm 2013, quyền dân tộc cơ bản cũng được quy định tương tự như thế.
Sự kế thừa:
Về vị trí: ở hiến pháp năm 1992 và hiến pháp năm 2013, quyền dân tộc cơ bản cũng được quy định tại điều 1 chương I.
Về nội dung: hiến pháp năm 1992 và hiến pháp năm 2013 kế thừa toàn bộ nội dung quyền dân tộc cơ bản của hiến pháp năm 1980.
Sự phát triển:
Theo quy định của hiến pháp năm 1992 và năm 2013, vị trí của các bộ phận cấu thành lãnh thổ có sự thay đổi. Ở hiến pháp năm 1980 trật tự các bộ phận đó là: đất liền, vùng trời, vùng biển, các hải đảo. Còn ở hiến pháp 1992 và hiến pháp 2013, vị trí của bộ phận hải đảo được đưa lên ngay cạnh đất liền, tiếp đến là vùng biển, rồi đến vùng trời. Đây không phải là một sự sắp xếp ngẫu nhiên, mà nó là sự đúc kết từ nhận thức của nhà lập pháp và thực tiễn của dân tộc ta. Trước hết, về thực tiễn, hải đảo và vùng biển là bộ phận nhạy cảm về an ninh, chính trị. Bắt đầu từ năm 1974 trở đi, Trung Quốc có sự tranh chấp với nước ta trong vấn đề chủ quyền đối với biển đảo Hoàng Sa. Cho đến nay, sự tranh chấp ấy vẫn đang tiếp diễn bằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD-981 và hàng loạt những hành động trái phép của Trung Quốc trong khoảng thời gian ấy trên vùng biển Việt Nam. Sắp xếp các bộ phận cấu thành lãnh thổ như vậy vừa thể hiện tầm quan trọng của hải đảo, vừa là cách nhà nước ta khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trước sự tranh chấp của Trung Quốc. Hơn thế nữa, trật tự sắp xếp này còn cho thấy kĩ thuật lập pháp của các nhà làm luật có sự tiến bộ hơn. Vùng trời của một quốc gia là khoảng không gian bao trùm lên toàn bộ đất liền, hải đảo, vùng biển của quốc gia đó. Nếu theo trật tự như trong hiến pháp 1980 là: “đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo” thì dễ bị hiểu nhầm rằng vùng trời của nước ta chỉ gắn với phần đất liền, chứ không bao gồm cả vùng không gian phủ lên hai bộ phận còn lại. Việc thay đổi thành: “đất liền, hải đảo, vùng biển, và vùng trời” thể hiện được tính bao trùm của bộ phận vùng trời về mặt ngôn ngữ học. Điều đó cho thấy các nhà làm luật đã sử dụng ngôn từ chuẩn xác hơn, logic hơn, và hợp lí hơn. Như vậy, việc thay đổi thứ tự các bộ phận cấu thành lãnh thổ là một sự phát triển vấn đề quyền dân tộc cơ bản của hiến pháp 1992 và 2013.
III, Thực tiễn việc bảo vệ quyền dân tộc cơ bản của dân tộc ta hiện nay
Quyền dân tộc cơ bản của đất nước ta được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, việc bảo vệ nó là nghĩa vụ thiêng liêng của dân tộc ta. Ghi nhận quyền dân tộc cơ bản trong hiến pháp là một sự đảm bảo pháp lí quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta còn cần những hành động thiết thực hơn. Ngày nay, đứng trước những âm mưu của kẻ thù, chẳng hạn như diễn biến hòa bình, hay sự kiện mới đây nhất là việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ Việt Nam, mỗi người dân Việt đều cần phải có sự nhận thức đúng đắn và những hành động phù hợp để bảo vệ quyền dân tộc cơ bản của đất nước mình. Suốt mấy tháng vừa qua, nhà nước ta, đồng bào ta đã thể hiện tinh thần một lòng bảo vệ chủ quyền đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chúng ta kiên quyết sử dụng mọi biện pháp đấu tranh phù hợp với luật pháp nước ta và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc; nhưng đồng thời cũng phải quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
KẾT LUẬN
Đất nước ta, dân tộc ta có độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiến pháp của ta khẳng định điều đó. Những quy tắc hiến định về quyền dân tộc cơ bản ấy là “…tuyên ngôn của nhân dân và nhà nước Việt Nam về sự thật không thể phủ nhận về sự tồn tại của các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam đã giành được. Đó cũng còn là biểu thị của ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng bảo vệ thành quả thiêng liêng không cho phép ai xâm phạm”(4)
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 557.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 440.
(3) Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 129.
(4) Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 130.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2014.
- Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946-1959-1980-1992-2013, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2014.
- Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
- Thái Vĩnh Thắng, Lịch sử lập hiến Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
- Nguyễn Đăng Dung, Tìm hiểu các bản hiến pháp Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
- Lê Mậu Hãn, Hiến pháp 1946: Quyền dân tộc và quyền dân chủ, tự do và bình đẳng xã hội là động lực tiến hóa của Việt Nam, http://www.na.gov.vn/Sach_QH/phathuygiatri/Phan2/2.htm, truy cập ngày 12/9/2014.
*Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết của Tôi học nghề luật.

